Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn
Thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra các vụ đối tượng lợi dụng tâm lý ham muốn lợi nhuận cao và sự thiếu hiểu biết về khoa học công nghệ để lôi kéo, huy động người dân tham gia góp vốn để đầu tư vào tiền ảo, sau đó sử dụng các thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn.
Với chiêu thức kêu gọi góp vốn đầu tư kinh doanh tiền ảo với hứa hẹn trả lãi cao trên 30%/tháng, dựa trên các đồng tiền ảo như Bitcoin, Bitconnect, Ripple, Hextracoin, Litecoin, Firstcoin để vận động người dân góp vốn đầu tư, khi đã huy động được nhiều người đầu tư vào thì đối tượng bỏ trốn, hoặc thông báo tài khoản chung bị hacker xâm nhập, đánh cắp, nhưng thực chất là chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng hơn 400 người tham gia 04 mạng lưới kinh doanh tiền ảo với tổng số tiền đầu tư hơn 52 tỉ đồng, trong đó tại huyện Đắk G'long có trên 300 trường hợp sử dụng tiền hợp pháp (gần 50 tỷ đồng) mua đồng tiền ảo Bitconnect, sau đó hệ thống Bitconnect vay lại với cam kết lợi nhuận khoảng 32%/tháng, thu hồi vốn nhanh bằng việc hệ thống sẽ hoàn trả đầy đủ tiền gốc bằng USD. Tuy nhiên, giá đồng tiền ảo này có tần suất biến động lớn, hệ thống hoạt động không ổn định, không hoàn trả tiền gốc mà trả bằng đồng tiền ảo với giá trị thấp, do đó nhiều người thiệt hại đến 90% số vốn ban đầu.
Có 40 trường hợp dùng khoảng 2 tỷ đồng để mua tiền ảo Hextra coin sau đó cho hệ thống Hextra coin vay lại với cam kết lợi nhuận khi tham gia hoạt động cho vay khoảng 48%/tháng. Tuy nhiên, khi người đầu tư đã mua đồng tiền này để gửi vào cho vay thì không rút quy đổi thành tiền hợp pháp được mà chỉ có thể tiếp tục tái đầu tư. Ở địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil cũng xuất hiện một số trường hợp kêu gọi đầu tư vào tiền ảo theo mô hình đa cấp, nguy cơ rủi ro cao.
Hiện nay, Pháp luật Việt Nam không công nhận tiền ảo như phương tiện thanh toán hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo báo chí khẳng định tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tại khoản 1, Điều 206, Bộ luật hình sự quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán, gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền hoặc phạt tù; Khoản 6, Điều 27, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp thì bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh tiền ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, trốn thuế…, bên cạnh việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh thì mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác và tích cực tố giác đối với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo, tránh "tiền mất tật mang" thiệt hại về kinh tế.
Minh Quỳnh - Tuyết Mai