Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn

Phát triển kinh tế trang trại thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng 29/03/2018 | 13:58  | View count: 6459

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp – PTNT), hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 925 trang trại, trong đó có 341 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; 22 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Trang trại trồng trọt của ông Lê Văn Quang ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp có diện tích trên 5 ha đất đạt doanh thu  từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Văn Biên

Trong tổng số trang trại trên có 796 trang trại trồng trọt, 33 trang trại chăn nuôi, 96 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích sản xuất của trang trại khoảng 6.700 ha, bình quân 7ha/trang trại. Các trang trại góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 12.000 lao động.

Hàng năm các trang trại đã cung cấp một lượng lớn sản phẩm hàng hóa cho thị trường. Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần khai thác hiệu quả đất đai, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa phục vụ xuất khẩu ở một số ngành hàng phát triển.

Thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế trang trại phát triển quy mô lớn đã đem lại thu nhập cao cho các hộ dân. Một số hộ có trang trại trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái, với diện tích hàng chục ha như: Trang trại Gia Trung của ông Nguyễn Ngọc Trung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), chuyên trồng sầu riêng với diện tích lên đến 60 ha. Hàng năm, trang trại thu hoạch với sản lượng khoảng 400 tấn, giá bán trung bình 28.000 đồng/kg, thu về hơn 10 tỷ đồng/năm.

Trang trại của ông Hàng Văn Hoan ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) chuyên trồng cây ăn trái và cà phê hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng

Hay Trang trại Thu Thủy của ông Đinh Xuân Thu ở xã Nâm N'Jang (Đắk Song) có diện tích 52 ha, được xây dựng theo mô hình kinh tế tổng hợp; quy trình sản xuất khép kín theo hướng công nghệ cao, trong đó chủ lực là sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP hữu cơ toàn cầu.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, sản phẩm hồ tiêu của trang trại Thu Thủy đều đạt tiêu chuẩn tiêu sạch sinh thái FDA của Mỹ và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP… Nhiều năm qua sản phẩm của trang trại không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn xuất đến Mỹ, Hà Lan. Ngoài ra, Trang trại còn chú trọng phát triển thêm nghề chăn nuôi bò cao sản, gà sinh thái, thủy sản, trồng rau hữu cơ… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập.

Việc một số chủ trang trại sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp trong nước và trên thế giới, góp phần giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong vùng thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, cũng như định hướng phát triển cho các hộ này.

Bên cạnh việc tập trung vốn, nhân lực cho việc phát triển trang trại, các trang trại ở Đắk Nông còn từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các hộ chú trọng cây, con giống,  vật tư nông nghiệp chất lượng, cùng công cụ cơ giới... nên năng suất tăng đáng kể. Nhiều mô hình theo hướng thâm canh gắn với sản xuất khép kín đã tạo ra lợi nhuận cao, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm.

 

Theo ông Trần Văn Tùng, Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông thôn, doanh thu bình quân của các trang trại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2017 đạt khoảng 1 tỷ đồng/trang trại/năm, bình quân mỗi năm tăng trên 35% so với giá trị từ năm 2010. Tập trung phát triển kinh tế trang trại cũng đã thu hút một khối lượng lớn tiền vốn trong dân đầu tư vào sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành chức năng, hiện tốc độ phát triển của kinh tế trang trại còn chậm, quy mô trang trại nhìn chung còn nhỏ. Đồng thời, trình độ quản lý của chủ trang trại thấp, số lao động chưa qua đào tạo cơ bản còn nhiều, chất lượng sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao do chưa có thương hiệu, sản xuất chưa theo chuỗi. Do đó, kinh tế trang trại vẫn chưa phát huy được hết vai trò, thế mạnh, góp sức cùng với các thành phần kinh tế khác trong xây dựng nông thôn mới. Thực tế này đang đặt ra cho các cấp, ngành trong việc triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển, đồng hành cùng quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Đăk Nông Online