Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn

ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Ngày đăng 26/10/2022 | 07:47  | View count: 15719

Chiều 25/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Liên quan đến mức thuế suất ưu đãi, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, theo Điều 67 dự thảo Luật, dự kiến sửa Khoản 3, Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, hạ thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí ở mức tối thiểu từ 32% xuống 25%. Tức là từ 25% đến 50% và bỏ quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Liên quan đến Điều 54 dự thảo Luật, có đưa ra 3 khoản: khoản thứ nhất là quy định chung, khoản thứ 2 là áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí được chính sách ưu đãi đầu tư là 32%. Và khoản 3 thì quy định hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, chỉ áp dụng mức thuế suất là 25%. Từ đây, có mấy vấn đề đặt ra như sau:

Thứ nhất, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sửa đổi khung thuế suất là từ 25 đến 50%. Trong Luật này lại quy định lại đối với ưu đãi đặc biệt là 25% (mức thấp nhất). Vấn đề đặt ra là khi nào thì chúng ta áp dụng 45 hoặc 50%. Trong khi Khoản 3, Điều 10 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũ lại giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nghĩa là, trong quá trình triển khai, mà ký kết các hợp đồng dầu khí thì Chính phủ sẽ hướng dẫn khi nào chúng ta áp dụng mức 32%, khi nào thì 40% hoặc 50%. Nhưng trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), quy định ưu đãi đặc biệt là 25% và ưu đãi là 32% mà bỏ quy định tại Khoản 3 của Điều 10 về giao Chính phủ quy định chi tiết, như vậy là không hợp lý.

Thứ hai, khi rà soát các luật có liên quan, về quy định thuế suất, thì hiện nay về cơ bản các luật không quy định về thuế suất. Trong khi, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo, đối với các luật không phải về thuế thì không quy định về thuế suất.

Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý sửa Khoản 3, Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là hạ thuế suất tối thiểu từ 25% đến 50%. Đồng thời, nếu được, chúng ta đưa ngay vào Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp đồng dầu khí mà hưởng chính sách ưu đãi đầu tư thì áp dụng mức thuế 32% và 25% đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt. Đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án giao Chính phủ quyết định hoặc giao UBTV Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.

Tham gia thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện về căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp và phù hợp đúng đặc thù của dự án dầu khí, đề nghị bổ sung định nghĩa về chi phí hoạt động dầu khí vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ). Về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí, dự thảo Luật không có quy định cụ thể đối với quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có duy nhất quy định mang tính nguyên tắc trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí mà nhà thầu dầu khí/nhà đầu tư có nghĩa vụ phải thực hiện (Khoản 12 Điều 58). Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện được việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí vì dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí. Mặt khác, Khoản 1, Điều 4 của Dự thảo Luật không có quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo Luật Dầu khí.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Trong khi đó, Khoản 4, Điều 1 của Luật Đấu thầu hiện hành đã quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Do đó, để không tạo ra "khoảng trống" giữa các quy định pháp luật hiện hành, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị sửa đổi Khoản 12, Điều 58 như sau: "Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí và Luật này trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả và ưu tiên ký kết các hợp đồng dịch vụ với tổ chức, cá nhân Việt Nam; báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí".

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị bổ sung điểm d, Khoản 1, Điều 4 như sau: "Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí". Việc bổ sung này là cần thiết để khẳng định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí sẽ áp dụng Luật Dầu khí, nhằm đảm bảo tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các Luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai dự án dầu khí.

Đối với việc áp dụng quy định về xử lý chi phí của PVN, theo đại biểu Hằng, thực tế hiện nay các nghĩa vụ của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí hoặc các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ phần sản phẩm của nước chủ nhà hoặc các chi phí quản lý mà PVN được hưởng khi thực hiện một phần công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí hiện tại đã có quy định tại Khoản 4, Điều 64. Trong trường hợp không có quy định chuyển tiếp đối với các nguyên tắc quy định tại Điều 63 thì không có cơ sở để giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã và đang phải xử lý liên quan đến việc xử lý các chi phí của PVN do không thể áp dụng quy định của Luật Dầu khí sửa đổi để xử lý vấn đề đã xảy ra trước thời điểm Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực. Mặt khác, quy định này chỉ là cơ sở để giải quyết các vướng mắc đang tồn tại giữa PVN và Chính phủ khi PVN thực hiện các công việc quản lý nhà nước về dầu khí đã được phân công, không liên quan đến trách nhiệm của PVN với tư cách là doanh nghiệp với Chính phủ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí đã ký.

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, đại biểu đề xuất bổ sung Khoản 3, Điều 69, cụ thể như sau: "3. Việc xử lý chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Khoản 4, Điều 64 được áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực".

Theo báo Đắk Nông điện tử