Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Nói nhiều không bằng làm nhiều để bà con thấy, làm theo!
Ngày đăng 25/10/2016 | 09:42  | View count: 3349

Gần 8 năm gắn bó với vai trò trưởng bon, anh K’Phim ở bon Pang So, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Pang So là một trong những bon nghèo của xã Đắk Som, có 5 dân tộc sinh sống, phần lớn là dân tộc Mạ. Trước đây, do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, nên bà con trong bon tổ chức sản xuất tự phát, chăm sóc cây trồng thì được chăng hay chớ, dẫn đến năng suất kém. Vì vậy, nhà có nhiều đất hay nhà có ít đất sản xuất đều rơi vào hộ nghèo hoặc cận nghèo.

Anh K'Phim là người sinh ra và lớn lên ở đây, nên lúc đầu phần nào cũng có tâm lý như đa số bà con. Sau này, khi được tín nhiệm bầu làm trưởng bon, rồi được cán bộ khuyến nông, hội nông dân hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, anh như được "giác ngộ". Từ những kiến thức được học hỏi, anh mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình và ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh K'Phim (người đứng) tuyên truyền, vận động người dân

 

Theo anh K'Phim thì trước đây, tâm lý chung của bà con trong bon là đói nghèo không phải do mình, cho nên phần nào sinh ra tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Sau này, được tiếp xúc nhiều, học hỏi nhiều, anh và bà con mới vỡ lẽ, nguyên nhân đói nghèo một phần là do mình chưa chủ động, tích cực trong lao động sản xuất, chưa mạnh dạn thay đổi cách thức làm ăn. Vì vậy, với vai trò là trưởng bon, anh tự nhủ bản thân phải gương mẫu, tiên phong trong xóa đói giảm nghèo để vận động bà con làm theo.

Nghĩ là làm, anh mạnh dạn chuyển đổi 7 sào cà phê kém năng suất sang ghép chồi giống mới để cho năng suất cao. Mặc dù mới ghép từ năm 2014, nhưng vườn cà phê mới thu bói thôi mà đã được 1 tấn rồi, không như trước đây vụ mùa nào cao lắm cũng chỉ được 8 tạ.

Anh K'Phim cho biết: Khi thấy cà phê nhà mình cho hiệu quả rõ rệt, tôi đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi, đưa giống mới có chất lượng để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, thông qua các dự án như 3EM, Flitch… bà con đã được hỗ trợ một phần vốn để thay thế cây trồng kém chất lượng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nhằm nâng cao năng suất vườn cây. Những hộ có diện tích cà phê già cỗi thì tôi vận động thay thế giống mới chất lượng bằng cách ghép chồi hoặc trồng thay thế. Vì vậy, mặc dù hiệu quả từ giống cây mới chưa thể hiện rõ rệt, nhưng nhận thức, suy nghĩ của bà con thì chuyển biến tích cực.

Cũng thông qua tuyên truyền, vận động của trưởng bon nói riêng và ban tự quản, các đoàn thể nói chung, không chỉ chuyển đổi cây trồng lâu năm, mà bà con còn chuyển trồng lúa từ 1 vụ sang 2 vụ. Các hộ có ruộng trong cùng một khu vực thì chung nhau đào 1 cái mương dẫn nước, có nguồn nước phục vụ sản xuất đầy đủ. Nhờ đó, tỷ lệ đói nghèo trong bon cũng đã giảm so với trước.

Anh K'Phim cho biết: Nói nhiều không bằng làm nhiều, chỉ khi thấy được lợi ích rõ ràng thì bà con sẽ làm thôi. Hơn nữa, mình tuyên truyền miệng thì khó, chứ mình giúp một hộ làm được rồi bà con truyền miệng, nói cho nhau nghe thì mọi người sẽ nhận thấy và làm theo nhiều hơn.

Bên cạnh đó, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh K'Phim đã vận động bà con làm được 2 con đường bê tông dài khoảng 1km phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển. Theo anh, để làm được các con đường này là điều không dễ dàng, một phần do bà con chưa hiểu thế nào là "Nhà nước và nhân dân cùng làm" hay tại sao người dân phải hiến đất để làm đường…Từ đó, anh cùng Ban tự quản bon đã tích cực tuyên truyền, vận động, phân tích để bà con hiểu được ý nghĩa của việc làm đường và lợi ích mang lại cho bon, cho bản thân.

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", hộ nào xuôi rồi thì vận động trước, hộ khó vận động sau, đoạn đường nào người dân thống nhất thì làm trước, cứ như vậy dần dần bà con hiểu ra nên làm theo. Trong quá trình làm đường, bà con góp công, góp sức, rồi tổ chức giám sát. Bon cũng công khai minh bạch các khoản đóng góp, nên bà con rất tin tưởng và ủng hộ.

Anh K'Phim nói, đối với các hộ có đường bê tông đi qua thì bon vận động mỗi hộ đóng góp từ 5-10 ngày công, rồi góp tiền để mua xăng dầu cho máy trộn bê tông. Ai cũng góp công, góp của nên đoạn đường mới thực hiện thành công, bà con rất vui vẻ nhiệt tình, không có ai nói ra nói vào.

Với sự nỗ lực, nhiệt tình của Trưởng bon K'Phim, 160 hộ dân trong bon, dù cuộc sống vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng luôn đoàn kết, từng bước nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, đàng hoàng hơn. Nhiều năm nay, bon Pang So luôn được công nhận là bon văn hóa.

Theo Đăk Nông Online