Tuyên truyền phòng chống tội phạm

Khủng hoảng lương thực toàn cầu - Nguy cơ hiện hữu
Ngày đăng 12/04/2022 | 08:12  | View count: 2696

Sau hai năm đầy rẫy khó khăn do đại dịch COVID-19, thế giới lại tiếp tục phải đương đầu với những bất ổn về an ninh năng lượng khi giá dầu thô tăng cao và mối đe dọa ngày càng hiện hữu của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với nguy cơ nạn đói gia tăng trên phạm vi toàn thế giới.
 Khủng hoảng Ukraine kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực. (Ảnh minh họa: Getty)

Mỗi năm, thông qua báo cáo về tình hình an ninh lương thực trên thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vẫn chỉ ra rằng chiến tranh là nguyên nhân chính gây ra nạn đói. Và năm nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã được bổ sung vào danh sách các cuộc xung đột làm gia tăng số lượng người thiếu dinh dưỡng. Cuộc xung đột Nga - Ukraine có tác động trên nhiều lĩnh vực. Trọng tâm chú ý của giới truyền thông thời gian qua nhằm vào việc cung cấp năng lượng và tiếp nhận những người cần được bảo vệ; song song với đó là vấn đề lương thực cũng được quan tâm hàng đầu. Viện trợ lương thực cho người tị nạn Ukraine là một thách thức lớn, nhưng các vấn đề hậu cần trong việc bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc, sản lượng hiện tại và tương lai giảm, và giá thế giới tăng cao cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới nghiêm trọng không kém năm 2008.

Gim xut khu, nguy cơ đi vi sn xut và tăng giá lương thc

Ukraine và Nga đều đóng vai trò chính trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cơ bản. Về thị trường ngũ cốc, Ukraine và Nga đều thuộc top 3 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2018, Ukraine là nhà sản xuất ngô lớn thứ 5 thế giới, nhà sản xuất kiều mạch lớn thứ 3, nhà sản xuất hướng dương hàng đầu. Một nửa lượng dầu hướng dương được bán trên thị trường quốc tế đến từ Ukraine. Nhưng mặt hàng khiến thị trường lo lắng nhất là lúa mì. Ukraine chỉ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng họ cung cấp 12% lượng hàng xuất khẩu. 12% cũng là con số cho sự sụt giảm xuất khẩu lúa mì trong tương lai mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính. Cần lưu ý rằng phần lớn sản lượng lúa mì nằm ở phía Đông Nam của đất nước này, trong những khu vực mà cuộc xung đột đang diễn ra mạnh mẽ cho đến nay. Hai khu vực Luhansk và Donetsk chịu trách nhiệm về 8% sản lượng của đất nước này. Nếu tính thêm thị phần của Nga sẽ lên tới con số 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới đang bị đe dọa bởi chiến tranh.

Hai tuần sau chiến sự, Ukraine ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mì cho một số nước láng giềng đến tháng 6/2022. Nhưng chưa hết, Nga lại là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và nước này đã cho tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi dịch vụ vận chuyển ra vào nước Nga (đang bị các lệnh trừng phạt) khôi phục. Theo trang Foreign Policy, quyết định này khiến các nước nhập khẩu phân bón của Nga điêu đứng vì nếu thiếu phân bón, mùa vụ hiện tại và mùa vụ tới sẽ đầy rủi ro.

Xung đột dẫn tới việc đóng cửa các cảng chính của Ukraine và ngay cả khi chúng không bị đóng cửa thì an ninh không được bảo đảm cũng khiến các công ty vận tải biển được cho là vận chuyển ngũ cốc và dầu ăn của Ukraine không thể hoạt động. Một mối quan ngại khác là tương lai của sản xuất ở quốc gia này. Nhiều nông dân sẽ chọn di cư, có những người khác sẽ tham gia chiến sự và cũng có những người chắc chắn sẽ chọn ở lại và gieo trồng, nhưng liệu diễn biến của cuộc xung đột có cho phép thu hoạch lúa mì vào mùa hè này hay không? Về phía Nga, các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng trực tiếp đến thực phẩm nhưng xuất khẩu thực sự gián tiếp bị giảm tốc do lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến ngành tài chính hỗ trợ các công ty nguyên liệu của nước này.

Trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục và tăng 4 tháng liên tục. Trong tháng 2/2022, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực. Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 8/4, FAO tiếp tục cho biết giá lương thực thế giới tăng 13% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 17% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số giá dầu thực vật tăng 23%, cũng là mức tăng chưa từng có. FAO cho biết giá đường và các sản phẩm từ sữa cũng tăng mạnh trong tháng 3.

Trong khi đó, phân bón, mặt hàng thiết yếu để người nông dân đạt được mục tiêu năng suất, lại chưa bao giờ đắt đỏ như lúc này do nguồn cung từ Nga đang bị ngưng lại. Theo chuyên gia Maximo Torero của FAO, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt, đó là giá phân bón đã tăng cao đáng kể trong tháng trước và có thể trở nên trầm trọng hơn do giá năng lượng không ngừng leo thang và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đó là vấn đề trong ngắn hạn nhưng cũng là nguy cơ dài hạn vì có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong năm tới. Điều này thực sự tạo ra vấn đề đối với nguồn cung ngũ cốc và tất cả những loại thực phẩm cho thế giới trong năm tới.

Nhấn mạnh Nga và Ukraine chiếm những vị trí quan trọng trong sản xuất và cung cấp các sản phẩm lương thực trên thế giới, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO, cho rằng "các hạn chế áp đặt đối với hàng xuất khẩu từ Nga, sẽ có tác động đáng kể đến an ninh lương thực". Ông David Laborde, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, thì cho rằng: "Khủng hoảng phân bón sẽ ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới". Đồng tình với quan điểm này, bà Ertharin Cousin, thành viên Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu và là cựu giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết: "Nhiều yếu tố bất lợi cùng hội tụ đã tạo ra một cơn bão toàn diện, có thể dẫn đến một thảm họa về giá thực phẩm".

Ri ro khng hong lương thc đi vi các nưc đang phát trin

 Người nghèo đói ở Tây Phi. (Ảnh: I24news)

Thực tế rằng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước đang phát triển đã phải chật vật để phục hồi sau đại dịch COVID-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong bối cảnh đó, không hề bất ngờ khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định chiến sự ở Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu".

Báo cáo gần đây do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thực hiện cho thấy số người nghèo đói đã gia tăng đáng kể dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine lẫn đại dịch COVID-19. Theo đó, số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019. Ông David Beasley, Giám đốc điều hành WFP, cho biết mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là "chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai".

Ảnh hưởng của chuỗi lương thực bị mắc kẹt ở Ukraine và Nga - những nền nông nghiệp quan trọng đối với cán cân toàn cầu - đã và đang được cảm nhận ở các quốc gia dễ bị tổn thương hơn. Cho đến trước khi xảy ra xung đột, 40% lượng lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine đến Trung Đông và châu Phi. Trong số các nước nhập khẩu lúa mì chính có giá vượt mức đỉnh trước cuộc khủng hoảng năm 2008 là Ai Cập, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia. Lebanon không góp mặt trong 10 nhà nhập khẩu hàng đầu, nhưng 90% nhu cầu nội địa do Ukraine cung cấp. Nhiều nước châu Phi vốn thường gặp khó khăn hàng năm trong thời kỳ thu hoạch. Sau đợt hạn hán xảy ra ở vùng Sừng châu Phi vào năm 2021, FAO đã phát đi báo động vào tháng 1/2022, thông báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới và cảnh báo nguy cơ nạn đói ở 26 quốc gia đang phát triển. Theo ước tính của FAO, nếu xung đột khiến Nga và Ukraine phải kéo dài việc cắt giảm xuất khẩu lương thực, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng khoảng từ 8 triệu - 13 triệu người. Thậm chí, tại một số khu vực như Đông Phi, nơi hứng chịu hạn hán trong suốt 3 năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.

Giám đốc WFP David Beasley cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ. Trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước được mua từ Ukraine. Xung đột cũng khiến WFP không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%. Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya cũng bày tỏ quan ngại rằng xung đột tại Ukraine có thể khiến tình hình ở những nơi đang rơi vào khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới như Afghanistan hay Yemen sẽ càng thêm thê thảm.

Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) nhấn mạnh tác động của giá cả đối với an ninh lương thực toàn cầu nhưng cho biết thêm rằng những đợt tăng giá này cũng sẽ tạo ra và làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị. Chúng ta còn nhớ một thập kỷ trước, chi phí ngũ cốc tăng vọt - khiến giá bánh mì ở Ai Cập tăng 37% - đã góp phần tạo ra Mùa xuân Ả Rập - làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các nước Ả Rập. Trước đó, năm 2008, giá lương thực leo thang làm bùng nổ các cuộc bạo động và biểu tình trên toàn cầu.

Ông Michael Tanchum, chuyên gia về năng lượng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu và Viện Trung Đông, cũng cảnh báo nếu những cú sốc kinh tế này tiếp diễn, bất ổn có thể lan sang các khu vực khác trên thế giới.

Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng thế giới đang đứng trước "bờ vực" của một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và những lo ngại ngày càng tăng về số phận của bao nhiêu con người đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này. Chuỗi cung ứng không ổn định, cùng với thời tiết bất thường đã đẩy giá lương thực lên cao nhất trong một thập kỷ. Khả năng chi trả của người tiêu dùng cũng là một vấn đề lớn vì đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine nổ ra lại càng khiến hệ thống lương thực toàn cầu trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, các quốc gia trên thế giới cần xây dựng các hệ thống lương thực bền vững, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu. Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để cung cấp đủ lương thực với giá cả phải chăng cho mọi người, đặc biệt khi thế giới đang cùng lúc phải hứng chịu tác động của đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu./.

Theo dangcongsan.vn