Sáng 20/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Cao Huy - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các thành viên BCĐ tỉnh đã tham dự.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Theo đánh giá tại hội nghị, thời gian qua tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp, trọng điểm là tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới một số tỉnh như: Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao,hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng cấm như: ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, nông lâm sản, đồ điện tử, hàng tiêu dùng các loại.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 88.560 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái; khởi tố hơn 1.100 vụ đối với 1.372 đối tượng. Điển hình là vụ bắt 2 đối tượng vận chuyển trái phép 30 bánh heroin và 45 kg ma túy tổng hợp tại Nghĩa Hưng, Nam Định; vụ bắt giữ 26 kg sừng tê giác, 6 kg ngà voi tại Hà Nội; vụ bắt giữ 7.800 bao thuốc lá ngoại nhập lậu tại Long An; vụ kiểm tra, bắt giữ 1.936 kiện hàng hóa là pháo, quần áo, giày dép, phụ tùng ô tô không có hóa đơn chứng từ vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, BCĐ 389 quốc gia sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia; tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực quản lý; kiểm soát chặt chẽ đối với hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là hoạt động đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài và cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Do đó, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng bám sát, thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong tình hình mới. Cùng với quyết liệt triển khai các giải pháp, xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra đôn đốc, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường hoạt động phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân tố giác hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại".
Sam Nguyễn