Đến nay khu vực biên giới của tỉnh đã có nhiều chuyển biến khởi sắc toàn diện, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Những năm đầu mới thành lập tỉnh, tình hình kinh tế, xã hội khu vực biên giới hết sức khó khăn; nhìn chung kết cấu hạ tầng trong khu vực biên giới còn hạn hẹp so với nhu cầu phát triển; nguồn thu nhập chính của nhân dân là sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí, trình độ sản xuất còn thấp nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị mặc dù đã được củng cố kiện toàn, song chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Về tình hình an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khu vực biên giới của tỉnh đang tồn tại khu vực 49 km2 thuộc địa bàn xã Quảng Trực; giữa ta và bạn chưa thống nhất được công tác phân giới cắm mốc. Do vậy nếu phối hợp, xử lý không tốt thì có thể xảy ra những hiểu lầm giữa ta và bạn và cũng là cái cớ để các thế lực phản động lợi dụng chống phá.
Tổ tự quản đường biên, cột mốc bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) phối hợp với Đồn Biên phòng Đắk Dang tăng cường tuần tra biên giới. Ảnh: Văn Hoàn |
Chủ trương, chính sách đúng
Trước thực trạng như trên, nhận thức rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về biên giới quốc gia, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng biên giới, hải đảo, đặc biệt là Quyết định 16/HĐBT ngày 22/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Ngày Biên phòng toàn dân; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo; Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới;…
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, phát triển toàn diện khu vực biên giới như: Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 5/6/2006 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Nghị quyết 08/NQ-HĐND, ngày 7/6/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng – an ninh khu vực biên giới, giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020.
Đặc biệt trong nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết hàng năm, các chỉ thị lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh, công tác biên phòng đều xác định nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới là nội dung quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và bộ đội biên phòng tỉnh làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; coi đây là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp, là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn dân, của lực lượng vũ trang trong đó bộ đội biên phòng là nòng cốt chuyên trách.
Thành quả phấn khởi
Các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được các cấp, các lực lượng, địa phương tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đồng thời đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để các tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, thấy rõ nghĩa vụ công dân trong tổ chức thực hiện; do vậy đã huy động được nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực sức mạnh của nhân dân. Từ năm 2009 đến nay, nhiều chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, ổn định sắp xếp dân cư, các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh… với nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho khu vực biên giới đã phát huy được hiệu quả.
Cùng với các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành huy động và phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực xã hội, với nhiều chương trình, dự án hết sức thiết thực như xây dựng nhà đại đoàn kết, chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới", "Chương trình bò giống cho người nghèo nơi biên giới"… với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Tỉnh ủy cũng luôn chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho nhân dân, xây dựng các phong trào quần chúng tự quản, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh Đắk Nông luôn tăng cường các hoạt động đối ngoại, xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Campuchia; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chăm lo xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện.
Từ những nỗ lực cố gắng, đến nay khu vực biên giới của tỉnh đã có nhiều chuyển biến khởi sắc toàn diện, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đây chính là vấn đề cốt lõi để tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố mối quan hệ máu thịt quân dân.
Có được những kết quả trên, trước hết là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng; đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, trong đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá rất cao những đóng góp của bộ đội biên phòng tỉnh. Những năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kiên trì phối hợp với các sở, ngành, các lực lượng, địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng quản lý bảo vệ biên giới, tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, thực sự là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong công tác quản lý bảo vệ biên giới.
Tỉnh Đắk Nông nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, là địa bàn chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của Tây Nguyên; có đường biên giới với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) dài 130 km. Khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông có 7 xã, 4 huyện có 90 thôn, bon, buôn, bản với 17.439 hộ/69.231 nhân khẩu; có 28 thành phần dân tộc, dân tộc thiểu số có 4.164 hộ/18.141 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 26,2%; tỷ lệ hộ nghèo 2.705 hộ chiếm 15,51%; có 5 tôn giáo với 23.083 tín đồ, chiếm 33,34%. |
Thách thức và giải pháp
Trong những năm tới, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Tình hình chính trường Campuchia vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến công tác phân giới cắm mốc, quản lý bảo vệ biên giới của tỉnh ta; các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, vượt biên, xâm nhập vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới còn tiềm ẩn những phức tạp khó lường.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của tỉnh đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp và sức mạnh của thế trận biên phòng toàn dân, đặc biệt là phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới.
Phát huy thành quả đạt được, tỉnh Đắk Nông xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 5/6/2006 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới giai đoạn 2006 -2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Các nhiệm vụ lớn cần thực hiện đó là phát triển bền vững kinh tế-xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các xã biên giới, góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hoàn thành quy hoạch hệ thống các công trình bảo vệ biên giới như đường hành lang, đường tuần tra, các công trình bảo vệ sông, suối và cột mốc biên giới; xây dựng hoàn thành các tuyến đường ra cửa khẩu, bảo đảm giao thông thủy lợi cả các mùa trong năm.
Cùng với xây dựng hệ thống chính trị các xã biên giới vững mạnh, cần tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân giữ vững chắc. Hoàn thành bố trí ổn định dân cư biên giới theo quy hoạch, bảo đảm điều kiện sản xuất và sinh hoạt cho người dân. 6/7 xã biên giới đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 7/7 xã biên giới đạt tiêu chí nông thôn mới về nhóm hạ tầng kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh; hoàn thành xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình trọng điểm bảo vệ biên giới, nhất là đường ra cửa khẩu Bu Prăng, cầu Đắk Dang, đường tuần tra và đường vành đai biên giới. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nghĩa hai bên biên giới; chủ động, tích cực trong tham mưu đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành để thúc đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc, cần quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên quốc gia trong tình hình mới.
Ngô Thanh Danh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Theo Đắk Nông Online