Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu ý kiến chất vấn Phó Thủ tướng về quan điểm của Chính phủ liên quan đến việc thống kê GDP khu vực kinh tế phi chính thức.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV. Ảnh Truyền hình Quốc hội. |
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến chất vấn như sau: "Phó Thủ tướng vừa trình bày với Quốc hội là nhiều nước trên thế giới hiện nay đã thống kê GDP cả khu vực kinh tế phi chính thức. Có ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta chưa thống kê GDP ở khu vực kinh tế phi chính thức là chưa phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế. Nếu thống kê cả khu vực kinh tế chính thức và khu vực kinh tế phi chính thức thì quy mô nền kinh tế sẽ lớn hơn, sẽ phản ánh đúng quy mô kinh tế của chúng ta và nếu tính đủ thì chúng ta mới có thể đề ra chính sách phát triển phù hợp. Xin Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp. Ảnh Truyền hình Quốc hội. |
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: "Như tôi đã báo cáo lúc đầu, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng cục Thống kê đang chủ trì, xây dựng đề án này. GDP không chính thức mà đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu thì Tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế" gọi là GDP chưa được quan sát, bao gồm: Loại hoạt động bình thường nhưng do phương pháp thống kê của chúng ta đang còn thiếu sót nên chưa thống kê được; loại thứ hai là kinh tế phi chính thức chưa có quan hệ hợp đồng lao động chính thức; loại thứ ba là kinh tế tự cung tự cấp của các hộ gia đình; loại thứ tư là kinh tế bất hợp pháp; loại thứ năm là kinh tế ngầm.
Nếu chúng ta thống kê đánh giá được điều này sẽ đánh giá sát đúng được thực trạng của nền kinh tế. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều chỉ tiêu vĩ mô, như quy mô tỷ lệ nợ công trên GDP, bội chi ngân sách trên GDP, năng suất lao động, v.v.. Cũng có ý kiến lo ngại Chính phủ làm như vậy với mục đích là để nới trần nợ công. Chúng tôi xin báo cáo Quốc hội, quan trọng là chúng ta thống kê chính xác nền kinh tế, còn việc vay nợ công như thế nào thì trong kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn hàng năm Quốc hội xem xét và quyết định, và trần nợ công không quan trọng bằng khả năng chúng ta trả nợ như thế nào. Cho nên việc chúng ta làm là cần thiết, không phải mục tiêu là để đi vay thêm nợ. Nếu như trường hợp mà chúng ta có dư địa, nhu cầu đầu tư chúng ta có thì chúng ta cũng có thể bàn bạc, Quốc hội có thể có quyết đáp để chúng ta có thêm nguồn lực để đầu tư".
Trần Long