Ngày 28/5 các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đại biểu Võ Đình Tín – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia góp ý kiến về vấn đề này.
Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu ý kiến tại Hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV |
Bên cạnh ý kiến tán thành những kết quả nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, đại biểu Võ Đình Tín đã nêu một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, qua đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai, thực hiện công tác này trong thời gian tới.
Theo đó, đại biểu Võ Đình Tín đã chỉ ra một số nguyên nhân làm kéo dài việc xác định giá trị doanh nghiệp, từ đó làm ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất đại biểu chỉ ra là những bất cập trong vấn đề sử dụng và phương án sử dụng đất. Cụ thể, theo quy định, việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải gắn với phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp là các đơn vị nông, lâm nghiệp vẫn còn nhiều phức tạp, vấn đề người dân lấn chiếm đất đai vẫn thường xuyên xảy nên việc phê duyệt Phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xem xét xử lý dứt điểm đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm.
Thứ hai, do địa hình vùng Tây nguyên phức tạp, điều kiện đi lại nhất là trong mùa mưa gặp nhiều khó khăn nên việc kiểm kê để làm cơ sở cho việc xác định giá trị tài sản đối với các doanh nghiệp là nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác xác định giá trị doanh nghiệp thường kéo dài. Trong khi đó, kinh phí theo quy định tại Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính quy định cố định mức chi phí để thực hiện công tác cổ phần hoá là chưa hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị việc xác định kinh phí thực hiện công tác cổ phần hoá giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ động quyết định mức chi phí hợp lý.
Một vướng mắc khác trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, theo đại biểu Tín, đó là việc xử lý tài chính khi cổ phần hoá. Theo quy định, trước khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hoá phải thanh toán dứt điểm các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ người lao động. Tuy nhiên, có đơn vị cổ phần hoá sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, thì doanh nghiệp còn nợ cả bảo hiểm và nợ người lao động nhưng không có nguồn để chi trả. Trong khi đó, Luật lại không quy định Công ty cổ phần sau này phải có trách nhiệm kế thừa để chi trả hoặc có biện pháp xử lý khác, dẫn đến vướng mắc trong việc phương án sắp xếp lao động. Việc hỗ trợ kinh phí của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp trong thời gian qua còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại địa phương. Để xử lý dứt điểm những tồn tại, cần phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện và nguồn kinh phí này được chi từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp do Trung ương quản lý.
Bên cạnh đó, khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp, đại biểu Tín cho rằng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động để nhận thức đúng về mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới tại doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.
Trần Long