9 thủ tục sử dụng Căn cước công dân thay thế Sổ hộ khẩu từ 01/01/2023
Ngày đăng 30/12/2022 | 15:26  | View count: 57636

Bắt đầu từ ngày 01/01/2023, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực sửa đổi và bổ sung các quy định liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu.

Theo đó, Sổ hộ khẩu giấy sẽ bị hủy bỏ (hết giá trị sử dụng) theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, mọi thông tin của người dân sẽ được lưu trữ và quản lý trên môi trường điện tử. Có 9 thủ tục sử dụng căn cước công dân để thay thế sổ hộ khẩu, gồm:

1. Lập hồ sơ vay vốn (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP)

- Đối với người lao động: Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định này.

- Người dân khi làm hồ sơ chỉ cần xuất trình căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh, thay vì sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

2. Các thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế (Nghị định số 146/2018/NĐ-CP)

- Cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội khi đến chỉ cần cung cấp giấy hẹn, thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân.

- Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: Cung cấp giấy hẹn, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế (bản sao giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin cư trú…).

- Nếu không phải là thân nhân hoặc người giám hộ, cung cấp giấy hẹn, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Chính sách hỗ trợ học sinh ở thôn, xã khó khăn (Nghị định số 116/2016/NĐ-CP)

Chỉ cần nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ như thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân…

4. Chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định số 105/2020/NĐ-CP)

Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này chỉ cần nộp bản sao của một trong các loại giấy tờ gồm thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân…

5. Miễn giảm học phí (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP)

Thay thế sổ hộ khẩu thường trú hoặc giấy tờ xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú bằng thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú…

6. Thủ tục mua điện (Nghị định số 137/2013/NĐ-CP)

Hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải cung cấp các loại giấy tờ sau: thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân.

7. Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (Nghị định số 99/2015/NĐ-CP)

Cung cấp bản sao thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đang còn giá trị của người có đơn đề nghị thuê nhà, mua nhà. Trong trường hợp là vợ chồng thì phải có thêm bản sao giấy chứng nhận kết hôn.

8. Chuyển mục đích sử dụng đất (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP)

Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây: thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh; giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký.

9. Đăng ký việc nuôi con nuôi (Nghị định số 19/2011/NĐ-CP)

Người nhận con nuôi phải làm tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế và nộp cho UBND cấp xã, nơi người đó thường trú. Kèm theo các giấy tờ sau đây: Bản sao thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân…

Ngọc Anh