Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiều chức danh lãnh đạo nữ được kéo dài tuổi nghỉ hưu;... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 17-21/10/2022.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ
Theo Công điện 964/CĐ-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ.
Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trước tháng 11 năm 2022; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;...
Nhiều chức danh lãnh đạo nữ được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
So với quy định cũ, Chính phủ bổ sung nhiều chức danh lãnh đạo nữ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi gồm: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là các chức danh: Phó Bí thư đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập ứng phó sự cố
Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ nêu rõ, hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
Thành lập Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế nêu rõ: Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Nghị định nêu rõ, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Bộ Ngoại giao thực hiện 30 nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị, tổ chức.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế
Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế.
Ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng
Tại công văn 7048/VPCP-KTTH ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19
Theo văn bản 7080/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn, quan điểm, mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của từng thời kỳ.
Đến năm 2030, 50% lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Công dân học tập"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030".
Chương trình phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống.
Đến năm 2030 đạt 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số.
Về mô hình học tập, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Công dân học tập" do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện…
Đánh giá hiệu quả kinh tế và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu
Tại văn bản số 7006/VPCP-CN ngày 18/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chủ động nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư Cảng hàng không Lai Châu.
Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Cảng hàng không Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu thống nhất với Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức đối tác công tư theo đúng quy định.
Theo chinhphu.vn