THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, đến thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành cơ bản việc tái canh cà phê theo kế hoạch đề ra trong năm 2017.
Trong đó diện tích cà phê tái canh theo hình thức trồng mới là 2.248 ha và ghép chồi cải tạo là 1.177 ha. Năm 2017, dù không còn được hỗ trợ về giống, kỹ thuật như những năm trước song nhiều địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực triển khai chương trình đúng tiến độ, kế hoạch, đạt chất lượng tốt.
Nông dân bon Bù Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) chăm sóc cà phê tái canh |
Đắk R'lấp nhiều năm nay là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc thực hiện tái canh cà phê. Theo ông Cao Quý Thương, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, năm 2017, UBND huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp để triển khai Chương trình tái canh cà phê bằng việc cấp 50 kg giống hỗ trợ cho các cơ sở gieo ươm và bán cho người dân theo giá ưu đãi. Huyện cũng đã chủ động gieo ươm 100 kg giống, tương đương 110.000 cây cấp phát cho nông dân. Đến nay, người dân đã hoàn thành việc xuống giống hơn 165.000 cây, tương đương khoảng 165 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Các vườn mới trồng, vườn ghép cải tạo đều đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có biểu hiệu của sâu bệnh.
Để tái canh cà phê đạt hiệu quả, huyện đặc biệt chú ý tới việc bảo đảm chất lượng cây giống. Theo đó, trước khi cây giống bán ra thị trường, cơ quan chức năng địa phương đã siết chặt công tác kiểm tra chất lượng cây trồng tại các vườn ươm. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông từ huyện đến các thôn, bon về tận từng hộ dân vận động nhân dân đăng kí tái canh và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hoạt động hướng dẫn, phổ biến các kỹ thuật tái canh theo hai hình thức là trồng mới và ghép cải tạo cũng được địa phương chú trọng nhằm đạt hiệu quả tái canh cao nhất.
Tương tự, tại huyện Đắk Mil, đến nay, địa phương cũng đã hoàn thành việc tái canh hơn 750 ha cà phê theo các hình thức ghép chồi và trồng mới. Thời gian này, nhiều nơi người dân đã bắt đầu tiến hành bón phân, làm cỏ cho vườn.
Theo anh Y Huynh, bon Bù Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) thì bản thân anh đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê. Vì thế, quá trình triển khai, anh đã tự tay xử lý vệ sinh vườn, đào hố, bón phân và các thành phần khác theo đúng thời gian, kỹ thuật đã được hướng dẫn trước khi trồng cây mới. Nhờ cách làm này mà gần 1 sào cà phê trồng mới của gia đình anh Y Huynh năm nay phát triển đồng đều hơn những năm trước.
Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Mil thì cùng với việc nâng cao kỹ thuật cho bà con, thì nguồn giống tốt rất quan trọng để bảo đảm năng suất, chất lượng vườn cây sau này. Vì thế, vừa qua, huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra thường xuyên tại 15 vườn ươm cây giống trên địa bàn. Các vườn ươm nào đủ các điều kiện, cây giống đạt chất lượng mới được phép bán ra thị trường, công bố cho bà con biết để mua giống ở những cơ sở này. Đặc biệt, năm nay, trên địa bàn có 3 vườn ươm ở xã Đức Minh đạt chuẩn thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Vn Sat) với khả năng đáp ứng số lượng cây giống, chồi ngày càng cao nên hiệu quả tái canh cà phê được nâng cao hơn so với mọi năm.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, để khắc phục những hạn chế trong thực hiện Chương trình tái canh cà phê, năm nay, các yếu tố đầu vào như kỹ thuật làm đất, giống và trồng, chăm sóc đã được nhiều địa phương quan tâm, người dân chú trọng. Ngành đang tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân thực hiện các bước chăm sóc, bón phân sau tái canh để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ĐăkNông online