Tuyên truyền phòng, chống Ma túy
Nhiều năm qua, Đắk Nông đã tích cực tạo quỹ "đất sạch" để đầu tư phát triển, thu hút doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa được là bao. Quỹ đất sau khai thác bô xít có thể giải quyết được vấn đề này cho tỉnh.
Người dân cần
Từ nhiều năm nay, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã quy hoạch, triển khai xây dựng Khu tái định cư hồ Cầu Tư, tại xã Nghĩa Thắng, cho các hộ dân có đất bị giải tỏa phục vụ khai thác bô xít. Tuy nhiên, do bất cập trong việc không có đất sản xuất, nên rất nhiều hộ không muốn nhận đất tái định cư. Vì thế, nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác để mua đất canh tác, ổn định đời sống.
Hộ bà Tô Thị Vân, quê ở Quảng Ngãi, đến thôn Bù Đốp, xã Nghĩa Thắng, lập nghiệp từ năm 1998. Trước đây, gia đình bà có gần 6 ha đất trồng các loại cây dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu.
Toàn bộ diện tích đất nói trên của bà đều thuộc diện giải tỏa để khai thác bô xít. Tiền được đền bù tuy khá nhiều, nhưng gia đình bà cũng đối diện với nỗi lo lớn là phải tìm đất để sản xuất, duy trì cuộc sống ổn định.
Bà Tô Thị Vân chưa nhận đất tại Khu tái định cư hồ Cầu Tư vì không có đất sản xuất |
Bà Vân cho biết, làm nông mà không còn đất sản xuất, vợ chồng bà ăn không ngon, ngủ không yên. Cả mấy năm trời, gia đình bà rong ruổi khắp các địa bàn trong tỉnh tìm nơi mua đất rẫy, miếng đẹp thì không đủ tiền, mà miếng đủ tiền thì không ưng ý.
Cuối cùng, năm 2019, gia đình bà cũng mua được rẫy tại phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) để tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình bà thật sự bị đảo lộn rất nhiều thứ.
Bà Vân cho biết: "Chúng tôi cũng được bố trí một lô đất ở tại Khu tái định cư hồ Cầu Tư, nhưng vì không có đất canh tác, nên không muốn nhận. Vì nếu có làm nhà ở tại khu tái định cư thì cũng không có kế sinh nhai, không biết lấy gì bảo đảm cho cuộc sống lâu dài".
Không chỉ gia đình bà Vân, rất nhiều hộ dân trong khu vực giải tỏa khai thác bô xít phải rời địa phương tìm kiếm nơi sản xuất, nơi ở mới. Họ cũng đã nhiều lần kiến nghị được bố trí tái định canh, định cư tại chỗ, gần nơi bị giải tỏa để bớt xáo trộn cuộc sống khi nhường đất cho dự án.
UBND huyện Đắk R'lấp cũng đã đầu tư xây dựng Khu tái định cư Rừng Muồng, thôn 7, xã Đắk Wer. Tuy nhiên, cũng một phần do không có đất sản xuất, nên đến năm 2020, mới có hơn 10 hộ đến nhận đất, làm nhà ở tại đây.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk R'lấp, nếu sử dụng đất sau khai thác bô xít làm đất sản xuất cho các hộ dân bị thu hồi đất là điều phù hợp nhất. Khi đó, việc tái định cư, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Theo Công ty Nhôm Ðắk Nông-TKV, Khu tái định cư hồ Cầu Tư có diện tích 24.308,9 m2 với 117 lô. Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để bàn giao đất tái định cư cho người dân. Dự kiến sẽ bố trí đất ở cho 65 hộ dân đủ điều kiện tại Khu tái định cư này. |
Về nội dung này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc sử dụng đất sau khai thác bô xít để bố trí tái định cư, định canh cho người dân cần nghiêm túc xem xét, phải phù hợp với điều kiện khách quan lẫn chủ quan.
Điều này sẽ giúp Đắk Nông thực hiện đúng chủ trương "đất đổi đất" trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc bố trí tái định cư, định canh tại chỗ sẽ rất thuận lợi cho cả người dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư.
Doanh nghiệp cũng thích
Ngay sát hàng rào dự án Phước Sơn của Công ty TNHH MVT Sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch Nguyên Thành Phát (gọi tắt Công ty), xã Đắk Wer là vùng đất của thôn 13 đã được quy hoạch, đo đạc, giải tỏa để khai thác bô xít.
Năm 2017, Công ty triển khai Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn, tổng vốn 30 tỷ đồng. Từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đắk Nông, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả để tìm kiếm nguồn đất triển khai các hạng mục dự án.
Không có quỹ đất sạch, ông phải tự thỏa thuận, mua đất của dân. Ông Thành cho biết, ông mua đất nông nghiệp khoảng 500 triệu/ha. Sau đó cải tạo mặt bằng và chi phí đội lên khoảng 1,5 tỷ/ha. Do vậy, nếu như trước đó thuê được "đất sạch" tại khu vực sau khai thác bô xít, ông sẽ có thể tiết kiệm được cho doanh nghiệp khoảng 80% chi phí đầu tư ban đầu.
Ông Nguyễn Trung Thành đang muốn thuê khoảng 200 ha đất để mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp |
Hiện nay, Công ty cũng đang rất cần thêm 200 ha đất sạch để mở rộng dự án. Nếu sau này Công ty được thuê diện tích đất sau khai thác bô xít thì đó là điều thuận lợi, phù hợp nhất. "Nếu tỉnh cho thuê đất ở đây (khu vực hoàn thổ-P.V), doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư phát triển hơn", ông Thành chia sẻ.
Người dân không đến ở tại Khu tái định cư hồ Cầu Tư vì không có đất sản xuất |
Chỉ tính riêng quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng cần hàng chục ngàn ha "đất sạch". Cụ thể, Đắk Nông đưa ra mục tiêu đến 2025, có 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 10.406 ha; định hướng đến 2035, sẽ có khoảng 55 vùng, với tổng diện tích 28.636 ha.
Đó là chưa kể các nhu cầu khác cần quỹ "đất sạch" để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, việc sớm đưa quỹ đất sau khai thác bô xít vào sử dụng là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình của địa phương.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử