Tuyên truyền phòng, chống Ma túy
Thời gian qua, ngành Công thương của tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Trong năm 2018, thông qua các chương trình XTTM quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương) đã triển khai thực hiện 5 đề án XTTM, với tổng kinh phí là hơn 961 triệu đồng.
Các nội dung XTTM được đơn vị tập trung triển khai như: Nghiên cứu, khảo sát thị trường, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ; tham gia hội chợ trong nước; đưa hàng Việt về nông thôn… Hoạt động này không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp tại các thị trường truyền thống, trọng điểm, mà còn mở ra cơ hội phát triển ở những thị trường tiềm năng.
Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày cà phê Đắk Nông tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê (Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019). Ảnh: Lê Phước |
Qua thực tế hỗ trợ, các chương trình XTTM đã nhanh chóng trở thành chiếc "cầu nối" quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Những hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, đó là các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 "Việt Nam Expo 2018" tại thành phố Hà Nội; Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế năm 2018 tại TP. Huế; Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam…
Tại đây, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực và đặc trưng của tỉnh đã được tham gia quảng bá gồm: Cà phê hạt rang nguyên chất, cà phê bột, đậu phộng, hồ tiêu, hạt điều, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, xoài, ổi… Đặc biệt, việc tổ chức đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường, kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố đã và đang từng bước tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương đã có cơ hội giao lưu, giới thiệu, ký kết hợp tác phát triển với các đối tác như: Bơ, tiêu hữu cơ, mắc ca, gạo Buôn Choáh…
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và tỉnh An Giang tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương năm 2018 |
Theo bà Trần Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất và chế biến Bông lúa Việt (Krông Nô) thì thông qua hoạt động XTTM, cụ thể là các hội chợ, kết nối cung - cầu đã mang lại rất nhiều cơ hội thiết thực cho doanh nghiệp. Nhờ đó, trong năm qua, sản phẩm gạo Buôn Choáh của đơn vị đã không chỉ có mặt tại phần lớn các địa phương trong tỉnh, mà còn mở rộng ra các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp cũng có dịp để tham gia học hỏi kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu… từ các đối tác, bạn hàng. Hiện nay, sản lượng gạo sản xuất bình quân của doanh nghiệp đạt từ 250-300 tấn/năm… Ngoài ra, trong năm qua, các hoạt động XTTM còn góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ những hoạt động XTTM, doanh nghiệp được tăng cường tiếp cận, giao lưu với các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Cũng nhờ đó, các doanh nghiệp vừa tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, vừa chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới; đồng thời, tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên các thị trường.
Trong năm 2019, ngành Công thương của tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và trình Ban quản lý Chương trình XTTM Quốc gia thẩm định 4 đề án XTTM, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,3 tỷ đồng; đồng thời, xây dựng và đề xuất chương trình XTTM địa phương gồm 5 đề án, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng. Theo đó, cùng với những hoạt động khảo sát, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, các đề án cũng sẽ tập trung xây dựng mô hình thí điểm về 2 điểm bán hàng Việt tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil. Ngoài ra, ngành cũng sẽ triển khai thực hiện 1 Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh… |
Theo Đắk Nông Online