Tuyên truyền phòng, chống Ma túy
Sáng 5/6, Quốc hội hảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), giai đoạn 2011-2016. Tham gia phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu lên thực trạng phổ biến của cả nước đối với việc vi phạm các quy định về ATTP; đồng thời có nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Quốc Hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP tại các địa phương, trong đó có đề xuất việc cho mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến huyện…
Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Võ Đình Tín.
Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Truyền hình Quốc hội |
Qua nghiên cứu Báo cáo kết quả Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV, tôi cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong báo cáo. Để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trong thời gian tới, tôi xin có một số ý kiến và kiến nghị sau:
Có thể nói, sau gần 6 năm thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh ATTP, nhìn chung công tác quản lý và bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP có tiến bộ đáng kể trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh, chế biến lưu thông, xuất nhập khẩu thực phẩm. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, cục chuyên ngành và chính quyền địa phương được thực hiện đồng bộ và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương kịp thời. Việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thực hiện đúng mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng hoàn thiện đảm bảo tính chính xác, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay thực trạng ATTP trên phạm vi cả là một vấn nạn gây ra nhiều bức xúc, lo lắng cho người dân. Việc vi phạm qui định ATTP đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản xuyên suốt trên tất cả các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và chế biến. Trong đó, nổi cộm nhất và phổ biến nhất hiện nay là chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng... đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu, uy tín và thương hiệu trên trường quốc tế; thậm chí có những mặt hàng có nguy cơ lớn về việc bị hạn chế nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu vào các nước tiên tiến. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng trong nước, tình trạng ngộ độc thực phẩm, mầm mống gây ra các bệnh nan y như: Ung thư, nhiễm độc là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo khác, như đường ruột, dạ dày, bệnh đường máu, bệnh thần kinh, …
Trong khi đó, năng lực quản lý ATTP trên địa bàn toàn quốc hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu. Đội ngũ cán bộ, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị còn rất thiếu, đầu tư cho hoạt động quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn rất thấp, chưa tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, tôi kiến nghị:
Quốc hội:
Tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP, đặc biệt là đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP.
Chính phủ:
Bố trí ngân sách đủ đảm bảo theo kế hoạch của Dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kiểm nghiệm ATTP đáp ứng được yêu cầu quản lý tại địa phương.
Cho mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương ở tuyến huyện.
Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phân bổ sớm kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - Dân số từ nguồn Trung ương hàng năm để sớm triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP.
Các Bộ, ngành:
Bộ Y tế sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Vì hiện nay có rất nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng không có trong quyết định này của Bộ Y tế.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cần bổ sung nội dung quy định kiểm soát giết mổ đối với cơ sở nhỏ lẻ vào Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về ATTP kinh doanh tại chợ; Thông tư quy định điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nước giải khát, sản phẩm chế biến bột, tinh bột bánh, mứt, kẹo. Phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình các cấp từ Trung ương đến cấp xã/phường dành thời lượng thích đáng, thời gian phát sóng phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về các hoạt động bảo đảm ATTP. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng của các đơn vị được phát hành quảng cáo.
Nam Nhật