Tuyên truyền phòng, chống Ma túy
Chiều 23/5, ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận về Dự án luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã phát biểu, nêu ý kiến và đề nghị làm rõ những chính sách mới trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Võ Đình Tín.
Phiên thảo luận chiều 23/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV |
Trước hết, tôi đánh giá cao quá trình nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật của các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:
1- Về nguyên tắc, nguồn lực, nội dung hỗ trợ:
Theo quy định tại Điều 1 của dự thảo thì luật Hỗ trợ DNNVV quy định các nguyên tắc, nguồn lực, nội dung hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định này là phù hợp và là sự cần thiết nhằm để khuyến khích các DNNVV phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta hiện nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy các quy định về nội dung hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ trong dự thảo còn rất chung chung, chưa rõ cơ chế tổ chức thực hiện (đặc biệc là trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ); chưa kể nhiều quy định còn mang tính viện dẫn hoặc giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết và hướng dẫn. Vì vậy, nếu luật được ban hành thì các DNNVV sẽ rất khó xác định nguồn lực, nội dung để được hỗ trợ, ưu đãi.
Mặt khác, một số quy định trong dự thảo luật cũng chỉ mới quy định điều kiện để được hỗ trợ nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục và cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, quyết định doanh nghiệp có đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ hay không. Điều này dẫn đến trình trạng luật ban hành và có hiệu lực sẽ không thể thực hiện được ngay mà phải chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan hữu quan.
Về nội dung hỗ trợ: So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật lần này đã quy định nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ DNNVV như: Chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; phân định cụ thể chính sách hỗ trợ chung và chính sách hỗ trợ DNNVV, hộ kinh doanh đổi mới, sáng tạo… Về cơ bản tôi tán thành với những chính sách mới này của dự thảo luật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DNNVV, song báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật cần phải cụ thể hơn về cơ sở để đề ra những chính sách mới này. Vì theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách đó. Do vậy, đề nghị cần phân tích, làm rõ những chính sách mới được bổ sung trong dự thảo luật, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Đại biểu Võ Đình Tín nêu ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa |
2. Về Quỹ bảo lãnh tín dụng (Điều 9):
Tôi đồng ý cần phải thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, tuy nhiên, cũng tại kỳ họp này, dự kiến Chương trình Quốc hội thông qua luật Chuyển giao công nghệ, trong đó có quy định về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Cả hai quỹ này đều có nhiệm vụ là bảo lãnh tín dụng. Tuy mục đính cụ thể của hai quỹ này là khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là nhằm giúp doanh nghiệp, trong đó đa số là DNNVV phát triển. Do đó, tôi đề nghị cần có quy định mối quan hệ giữa hai quỹ này để phát huy hiệu quả của việc sử dụng quỹ trong việc bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.
3. Về vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ:
* Về thuế thu nhập doanh nghiệp
Dự thảo luật viện dẫn đến pháp luật về thuế, đất đai (Điều 10, Điều 11, Điều 12). Để quy định này khả thi thì Quốc hội phải sửa các đạo luật về thuế, đất đai có liên quan. Tuy nhiên, trong đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, sáng nay Quốc hội thảo luận tại tổ cũng không đề nghị sửa đổi, bổ sung luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp Chính phủ đề nghị sửa một số đạo luật liên quan đến chính sách thuế hỗ trợ DNNVV cũng khó khả thi, trong khi đó chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự kiến kỳ họp thứ 3 sẽ thông qua Dự án luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch nếu được Quốc hội thông qua sẽ phải sửa 32 luật có liên quan. Như vậy, khi luật Hỗ trợ DNNVV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, thì các quy định liên quan đến hỗ trợ về thuế, mặt bằng... sẽ không khả thi.
Nam Nhật