Tuyên truyền phòng, chống Ma túy
Hiện nay, tại khu vực Tây Nguyên, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 32 xã/12 huyện/03 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, làm 627 con trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy 18 con. Do đó, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao. Để kịp thời ngăn chặn mầm bệnh Viêm da nổi cục xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển ổn định, Ngày 17/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tập trung triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa khẩn trương thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 10/6/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, Ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và hướng dẫn triển khai thực hiện; Thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố Gia Nghĩa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; báo cáo UBND tỉnh tình hình công tác triển khai tại các địa phương; Cung cấp thông tin chính thức về các trường hợp phát hiện, xác định có các ca bệnh Viêm da nổi cục và phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa theo dõi, tổng hợp tình hình bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất, phối hợp với các địa phương xử lý các ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra; Chỉ đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp, công chức, viên chức chuyên môn trực tiếp đến các địa phương để hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch; Hướng dẫn các địa phương trong công tác lấy mẫu, bảo quản mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng 5 xét nghiệm; hướng dẫn tiêm phòng, xử lý phản ứng sau tiêm phòng, điều trị triệu chứng kế phát do bệnh Viêm da nổi cục.
Sở Tài chính: Xem xét, cân đối ngân sách tỉnh để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa, các tổ chức, cá nhân có liên quan các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc. Bố trí lực lượng tham gia tổ công tác lưu động liên ngành của tỉnh và Chốt kiểm soát dịch tại các địa phương trên các tuyến Quốc lộ và trục đường giao thông chính.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tăng cường chỉ đạo các Đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa: Kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện để chỉ đạo, giám sát về công tác phòng, chống dịch tại địa phương; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong giám sát, báo cáo dịch bệnh; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại thôn, xóm để giám sát, theo dõi, báo cáo về tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở;
- Phối hợp tốt các Sở, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục tại địa phương.
- Phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và bố trí kinh phí để sẵn sàng ứng phó bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò tại các huyện, thành phố Gia Nghĩa.
- Tổ chức thống kê chi tiết toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò tại địa phương và xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò sau khi có vắc xin, đảm bảo thực hiện công tác tiêm phòng hiệu quả, giúp tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi trên địa bàn (chỉ tiêm phòng các hộ chăn nuôi đã thực hiện kê khai chăn nuôi theo quy định).
- Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục; yêu cầu áp dụng nghiêm ngặt giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín, người tiêu dùng sử dụng thịt và sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
- Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động diệt côn trùng (ruồi, ve, muỗi, mòng…) để ngăn chặn và cắt đứt đường truyền bệnh qua côn trùng và tiếp tục triển khai thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ động vật; các bến, bãi đỗ xe khách để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Tăng cường kiểm tra và tổ chức tốt công tác quản lý giết mổ, kiểm soát vận chuyển, mua bán trâu, bò tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán động vật không đúng quy định làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác, khách quan đến người dân về diễn biến tình hình bệnh Viêm da nổi cục và các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Cũng tại Văn bản này, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục.
H.M