KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó dự đoán của thời tiết trong mùa mưa, lũ năm 2020, nguy cơ xói lở, sạt lở mái ta luy, nền mặt đường gây ảnh hưởng đến việc lưu thông và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra sự cố sạt lở mái ta luy, trôi cầu, cống tại một số vị trí trên các tuyến đường giao thông thuộc địa bàn tỉnh (Quốc lộ 28, Đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê, một số tuyến đường trên địa bàn huyện Krông Nô, Đăk Mil …), gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn kết cấu và giao thông. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, bão gây ra trên các tuyến đường giao thông thuộc địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông vừa ban hành văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường thực hiện các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cần lưu ý một số nội dung như sau:
1. Đối với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa:
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, mức độ an toàn của hệ thống cầu, đường theo phân cấp quản lý; thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá, chủ động lên phương án ứng phó với các nguy cơ mất an toàn giao thông; chủ động chuẩn bị vật tư, thiết bị và nhân lực để ứng phó khi xảy ra sự cố do mưa, bão gây ra; tiến hành khơi thông hệ thống rãnh thoát nước dọc, cống ngang, phát quang, thanh thải dòng chảy tại các thượng, hạ lưu cầu, cống; vệ sinh hệ thống thoát nước mặt cầu;
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết (tình hình mưa, bão); khi xảy ra thiên tai làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gây ách tắc và mất an toàn giao thông, các đơn vị quản lý đường theo phân cấp phải điều động ngay lực lượng thực hiện công tác cảnh báo, phân luồng, điều tiết giao thông; thực hiện công tác đảm bảo giao thông bước 1 theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 của Bộ GTVT, về phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ và phương án đã xây dựng;
- Sau khi đã hoàn tất công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1, đề nghị các đơn vị hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục pháp lý theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT; trình UBND tỉnh (thông qua Sở GTVT) để thẩm định, phê duyệt theo quy định.
2. Đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành:
- Chỉ đạo các Nhà thầu thi công công trình giao thông tuân thủ các quy định về phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; lập phương án, biện pháp thi công phù hợp với tình hình thời tiết thực tế; thi công gọn gàng, dứt điểm, không thi công dàn trải; trong quá trình thi công, cần thường xuyên kiểm tra đối với các vị trí cầu, cống, các vị trí đào sâu, đắp cao, địa chất yếu, ...; phải lập và thực hiện phương án đảm bảo giao thông theo đúng quy định; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư để tham gia việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai theo yêu cầu, lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền;
- Khi xảy ra thiên tai làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại, tính mạng con người, phải điều động ngay lực lượng thực hiện công tác cảnh báo, phân luồng, điều tiết giao thông, tổ chức khắc phục hậu quả để đảm bảo giao thông trên tuyến và kịp thời báo cáo về Sở GTVT, UBND cấp huyện để biết và chỉ đạo phối hợp khắc phục.
3. Đối với Ban QLDA bảo trì đường bộ, Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Đắk Nông, Liên danh Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương và công ty cổ phần đầu tư xây dựng Toàn Mỹ 14:
- Chỉ đạo cán bộ, các Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tăng cường công tác tuần đường để kịp thời phát hiện, báo cáo, và xử lý các vấn đề phát sinh gây mất ATGT trên tuyến theo quy định. Trường hợp phát hiện tình trạng tắc đường, tai nạn giao thông nghiêm trọng thì Lãnh đạo các đơn vị phải kịp thời báo cáo Ban chỉ huy PCTT và TKCN Sở GTVT và chủ động chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Phương án PCTT và TKCN số 862/PA-PCTT&TKCN ngày 19/5/2020 và tuân thủ quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2020, các quy định khác có liên quan;
- Khẩn trương kiểm tra và báo cáo về Sở GTVT (trước ngày 12/10/2020) tình hình thực tế công tác chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng và nhân lực phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai của các Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp các đơn vị chưa chuẩn bị hoặc đã chuẩn bị nhưng chưa đáp ứng thì yêu cầu khẩn trương thực hiện; đối với thiết bị, phương tiện, vật tư dự phòng mà đơn vị không tự huy động được thì phải ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung cấp thiết bị, phương tiện (theo từng địa bàn cụ thể) để khi xảy ra sự cố có thể huy động kịp thời.
4. Đối với Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ:
- Nghiêm túc thực hiện công tác tuần đường, trực bão, lũ, đảm bảo giao thông trên tuyến được giao quản lý (đặc biệt cần lưu ý các vị trí cầu, cống, các vị trí đào sâu, đắp cao, địa chất yếu, đoạn tuyến chạy dọc theo sông suối...) theo đúng quy định.
- Khi có mưa, lũ gây hư hỏng cầu, đường làm ách tắc giao thông, mất an toàn giao thông (như ngập nước toàn bộ mặt đường, đất đá sạt lở làm lấp mặt đường, nền mặt đường bị sụt, lún, cầu trôi) thì phải chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp cảnh báo (nếu tắc đường thì phải đặt biển báo cấm hoặc hạn chế một phần đối với phương tiện lưu thông ở hai đầu tuyến), tổ chức phân luồng, khắc phục hư hỏng để thông xe và đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người và tài sản trong thời gian nhanh nhất; đồng thời báo cáo ngay bằng điện thoại về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT. Trong báo cáo phải nêu được phạm vi hư hỏng (lý trình đoạn tuyến), ước tính khối lượng, tình hình thiệt hại, thực trạng nơi xảy ra sự cố, đề xuất giải pháp khắc phục để Ban Chỉ huy PCTT&TKCN báo cáo Lãnh đạo Sở và cấp trên cho chủ trương chỉ đạo khắc phục theo quy định;
- Đối với các tuyến đường (đoạn tuyến) do đơn vị quản lý mà có các công trình do đơn vị khác đang thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì phải kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thực hiện công tác đảm bảo giao thông, cập nhật vào sổ và báo cáo về Sở GTVT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT.
* Lưu ý: Khi xảy ra thiên tai, có thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm ách tắc giao thông, các đơn vị thông báo ngay về Ban chỉ huy PCTT&TKCN - Sở GTVT tỉnh Đắk Nông (thông qua Đ/c Nguyễn Văn Thịnh – Phó ban, thường trực Ban chỉ đạo, số điện thoại: 0945.03.83.93), đồng thời gửi văn bản về Sở GTVT để biết và kịp thời chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
H.M