KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh Đắk Nông thông qua Chương trình việc làm tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020 và Báo cáo số 52/BC-HĐND ngày 06/12/2016 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc triển khai thực hiện hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý nguồn vốn, xét duyệt đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn, cũng như đôn đốc thu hồi nợ và bảo toàn vốn, cụ thể:
Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả đạt được của các dự án đã và đang triển khai; thu hồi kịp thời vốn của các dự án hết thời hạn để quay vòng cho các dự án mới.
Lồng ghép các hoạt động của chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình giảm nghèo để phát huy hiệu quả vốn vay; tạo việc làm mới để người lao động ổn định cuộc sống. Huy động thêm các nguồn vốn khác để cho vay giải quyết việc làm; tranh thủ các dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài để hỗ trợ cho vay sinh kế tạo việc làm ổn định.
Ưu tiên các dự án mô hình kinh tế trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn hiệu quả, khả thi để tạo việc làm ổn định cho người chưa có việc làm, thiếu việc làm gắn với sự phát triển kinh tế trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chế biến hàng nông sản, hàng gỗ gia dụng, hàng xuất khẩu để giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình giải quyết việc làm từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Cho vay ưu đãi đối với các nhóm lao động yếu thế như: người đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật nhằm hạn chế nguy cơ mất việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Giao UBND các huyện, thị xã căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương, chủ động huy động thêm nguồn vốn để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát.
Xem chi tiết Công văn