KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2017
16/03/2017 | 13:52  | View count: 2736

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2017. Đồng chí Trương Hòa Bình, UV BCT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban ATGT tỉnh.

 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

 

Theo đánh giá tại hội nghị, từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết, và số người bị thương vì TNGT.

 

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, số vụ TNGT giảm 153 vụ (giảm 4,23%), số người chết giảm 20 người (giảm 1,26%), số người bị thương giảm 707 người (giảm 21%).

 

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ùn  tắc giao thông trên các trục giao thông chính, trong các đô thị. Đặc biệt, một số nơi như: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó, chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi giao thông trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 636.733 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, phạt tiền 392,82 tỷ đồng, tạm giữ 5.031 xe ô tô và 94.041 mô tô, tước 58.268 giấy phép lái xe. Toàn quốc xử lý 446 trường hợp vi phạm TTATGT đường sắt, phạt tiền 785 triệu đồng; xử lý 24.255 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy nội địa, phạt tiền 15,067 tỷ đồng.

 

Mặc dù vậy, trong quý I năm 2017, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn ra, đặc biệt là trên các tuyến đường có công trình thi công chiếm dụng lòng đường và những ngày thời tiết xấu. Trong 2 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 10 vụ ùn tắc giao thông kéo dài (chủ yếu là trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A).

 

Tại tỉnh Đắk Nông, trong quý I năm 2017, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT, kết quả, số vụ TNGT đã được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2016. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm 15.940 trường hợp, tạm giữ 3.077 phương tiện và 11.313 giấy tờ các loại, ra quyết định xử phạt 14.409 trường hợp, với số tiền thu được nộp kho bạc nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng.

 

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TƯ ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 28/4/2011 của Chính phủ và Kế hoạch số 08/KH-UBATGTQG ngày 09/1/2017 của Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%; giảm ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các trục giao thông trọng điểm. Tiếp tục triển khai Kế hoạch năm ATGT 2017 và Kế hoạch số 48 của Ủy ban ATGT Quốc gia về tổ chức Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 4 với chủ đề "Tốc độ"; tăng cường đảm bảo TTATGT trong mùa thi tuyển sinh, dịp nghỉ hè và mùa du lịch năm 2017. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương  phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn...

Sam Nguyễn