KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Thực hiện nghị quyết số 175/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND tỉnh ban hành văn bản số 7267/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo số liệu báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến ngày 30/11/2022, tổng số người tham gia BHXH toàn tỉnh là 43.869 người, chiếm 11,34% lực lượng lao động (trong đó BHXH bắt buộc là 33.250 người, BHXH tự nguyện là 10.619 người), BHTN là 27.783 người, chiếm tỷ lệ 7,18% lực lượng lao động, BHYT là 541.433 người, đạt độ bao phủ 81,49% dân số, đạt 92% so với chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được giao cho năm 2022.
Với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân về phát triển người tham gia, đặc biệt là nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện những nội dung sau:
-
1. Các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể cấp tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 633/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 15/5/2022 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và tăng cường các giải pháp cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người sử dụng lao động, người lao động tại các đơn vị, tổ chức trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa, vai trò, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHTN tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, BHTN.
3. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách BHYT đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2022 của tỉnh đạt từ 92% trở lên. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tổ chức tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đảm bảo quy trình và hạn chế thời gian chờ đợi, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
4. BHXH tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp và các đơn vị có liên quan tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 628/KH-UBND ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh về tuyên truyền BHXH trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.thực hiện nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, đảm bảo mỗi khu phố, thôn, bon, buôn đều có Điểm thu, nhân viên thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi muốn tham gia BHXH, BHYT; thường xuyên bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát đội ngũ nhân viên thu, kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc trong tổ chức triển khai thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đột xuất đối với đơn vị trốn đóng; chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT; xử lý và tham mưu UBND tỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; lập hồ sơ các đơn vị có dấu hiệu vi phạm Điều 214, Điều 216 của Bộ luật Hình sự chuyển sang Cơ quan công an.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố Gia Nghĩa, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền BHYT học sinh, sinh viên (HSSV); đảm bảo năm 2022 có 100% HSSV tham gia BHYT; ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV với cơ sở y tế để kịp thời thanh quyết toán nguồn kinh phí CSSKBĐ theo đúng quy định.
6. Sở Tài chính: Cân đối ngân sách, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân được Ngân sách nhà nước đảm bảo, kinh phí hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố Gia Nghĩa chuyển tiền mua thẻ BHYT cho người dân được ngân sách Nhà nước đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
7. Cục Thuế tỉnh: Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp thông tin, kết nối dữ liệu giữa hai ngành về số lao động, tiền lương quyết toán thuế của từng lao động hàng năm; tình trạng hoạt động của đơn vị... để xác định số lao động, đơn vị thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT. Chỉ đạo Chi cục Thuế các khu vực cử thành viên tham gia tổ rà soát, xác định lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội đôn đốc, hướng dẫn đơn vị đăng ký tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.
8. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHTN, BHYT hàng năm và cả giai đoạn; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình cho UBND các xã, phường, thị trấn; xác định kết quả thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHTN, BHYT là một trong những chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cân đối nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thảo Diệp