KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, đề án để phát triển công nghiệp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: "trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên"; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/8/2021 và nội dung Chương trình số 36-CTr/TU ngày 14/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, sớm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, trong đó tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông - lâm sản, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ (ảnh internet)
Mục tiêu chung: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút, tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghiệp hỗ trợ phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp của tỉnh gắn với chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; trong đó tập trung phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo để trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp từng bước hiện đại.
Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2021 - 2025:
+ Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 16%/năm; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.
+ Tăng trưởng của các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản với tốc độ gia tăng giá trị qua chế biến đạt từ 7 - 8%/năm; công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, nhôm tăng 46,46%; điện sản xuất tăng 13,32%/năm, điện thương phẩm tăng 36,5%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP vào năm 2025 chiếm 16,74%.
- Giai đoạn 2026 - 2030:
+ Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP đạt 23%; xây dựng được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong tỉnh có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
+ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp để góp phần tăng thu ngân sách; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; công nghiệp của tỉnh thuộc nhóm phát triển mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 07 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Nâng cao hiệu quả công tác điều hành, hoàn thiện, xây dựng mới cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp; Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp; Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và sớm trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cho sản xuất công nghiệp; Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp; Bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/8/2021 và Chương trình số 36-CTr/TU ngày 14/12/2021 là nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết, Chương trình đã đề ra cần cụ thể hóa bằng các nội dung, nhiệm vụ, đề án để thực hiện; phân công rõ đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiện. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Chương trình; thường xuyên rà soát tiến độ triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết và Chương trình đã đề ra.
Huy Hoàng