KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Đặc điểm nổi bật của Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng- 110 năm nhìn lại
18/07/2022 | 16:49  | View count: 24713

Phong trào khởi nghĩa của đồng bào Mnông do N’Trang Lơng lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1912-1936 là một sự kiện lịch sử to lớn của nhân dân Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên và Việt Nam nói chung thời kỳ cận đại. Năm 2022 là năm kỷ niệm 110 năm sự kiện vẻ vang này (1912-2022), đây là dịp chúng ta nhìn lại các đặc điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa về nguyên nhân bùng nổ, diễn trình lịch sử, quy mô, tính chất và nguyên nhân thất bại, ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa…, vì rằng lịch sử tuy không lặp lại song nhận rõ những đặc điểm của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng trong bối cảnh hiện nay là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng.

1- Nguyên nhân bùng nổ mang đậm nét Tây Nguyên

Mọi cuộc nổi dậy của nhân dân chống áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến đều có những nguyên nhân của nó, song đối với cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng, các nguyên nhân bùng nổ có những nét riêng.

Trước hết, nguyên nhân sâu xa là đồng bào các dân tộc nơi đây có truyền thống đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược từ nhiều năm trước. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của đồng bào Mơ thua (Mdhur) năm 1894), cuộc nổi dậy của tù trưởng Ama Sao ở Buôn Tung cách thị xã Buôn Ma Thuột 16km năm 1889 – 1905; cuộc nổi dậy của Oi H'Mai (tên thật là Y Tòng) ở M'Đrak năm 1901 – 1909… Riêng ở vùng cao nguyên Mnông cũng đã xuất hiện nhiều cuộc nổi dậy cục bộ, nhỏ lẻ của đồng bào Mnông chống địch lập đồn bốt, vơ vét tài nguyên, xâm hại phong tục tập quán. Nổi bật là cuộc chiến đấu của người Bih do N'Trang Gưh lãnh đạo ở hạ lưu sông Krông Na năm 1990-1914. Các cuộc nổi dậy đó đã hun đúc tinh thần bất khuất của nhân dân các dân tộc trong vùng.

Thứ hai, nguyên nhân trực tiếp là do thực dân Pháp đẩy mạnh việc thôn tính cao nguyên của người Mnông, xâm hại trắng trợn các nguồn lợi kinh tế và tập tục truyền thống của nhân dân trong vùng. Từ năm 1905, sau khi chính thức lập tỉnh Đắk Lắk, thực dân Pháp đã ra sức càn quét, bình định và khai thác vùng cao nguyên Mnông. Chúng thực hiện thủ đoạn chia để trị, chia Đắk Lắk thành các quận, các tổng, buôn và thiết lập bộ máy cai trị thực dân. Vùng cao nguyên người Mnông trở thành quận Đắk Song (sau này là Đắk Mil), do một tên quận trưởng người Pháp trực tiếp cai trị. Chúng chỉ định người đứng đầu các tổng, buôn và lập toà án xử án vừa theo luật tục vừa theo những luật lệ không bình đẳng trong một cộng đồng gồm nhiều dân tộc, kích thích luận điệu bài Kinh, chia rẽ Thượng – Kinh…

Dưới sự chỉ huy của tên thực dân Hăng ri mét (Henei Maitre), quân Pháp đã đẩy mạnh việc xâm chiếm vùng đất giàu có ở lưu vực sông Krông Ana và Krông Nô, ra sức vơ vét của cải của thảo nguyên trù phú này. Hăng ri mét đã cho quân liên tục càn quét, bình định các buôn của người M'nông, hèn hạ giết người, đốt làng, khai quật mồ mả, tổ tiên của người Mnông, trả thù những người đã tham gia cuộc khởi nghĩa N'Trang Gưh, gây nên nỗi căm hờn của nhân dân đối với chúng.

Thứ ba, do đồng bào M'nông có người đứng đầu là N'Trang Lơng, một tù trưởng mang trong mình cả thù nhà, nợ nước, anh dũng, sáng suốt, kiên quyết chống Pháp, giải phóng quê hương. N'Trang Lơng là người Mnông gốc Biệt, sinh trưởng tại một vùng cao nguyên người Mnông, làng Bu Nơ Trang. Ông sinh khoảng năm 1870, là một chàng trai sớm có khí phách hơn người, có sức khoẻ cường tráng và tài săn thú rừng, biết điều hay lẽ phải, được nhân dân suy tôn làm tù trưởng. Ngoài tinh thần yêu quê hương đất nước và ý thức cộng đồng công xã, căm thù quân xâm lược nói chung, ông còn mang mối thù riêng sâu sắc không đội trời chung cùng quân Pháp bởi vợ, con gái ông bị lính Pháp bắt và hãm hiếp, hành hạ đến chết. Giữa thù nhà phải trả và nợ nước phải đền, ở tuổi 40, N'Tang Lơng đã tỏ ra là một người anh hùng kiệt xuất của các dân tộc Mnông, đứng ra gánh vác vai trò chỉ huy và được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng trở thành người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa mang tên ông. Trong ngôn ngữ Mnông, đồng bào gọi ông là "Linh Bơ Trang Lơng", một danh hiệu cao quý dành cho một thủ lĩnh đầy uy tín và có công đối với cộng đồng .
Những nguyên nhân nói trên đều quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng năm 1912. Trong đó, nguyên nhân buôn làng bị quân Pháp giày xéo, của cải bị đốt phá, phong tục bị xúc phạm và sự căm phẫn cao độ kẻ địch của tộc trưởng N'Trang Lơng là yếu tố trực tiếp, hết sức độc đáo, mang đậm nét Tây Nguyên.

Hình minh họa thủ lĩnh N'Trang Lơng và nghĩa quân

 

2- Cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn và thời gian dài vào loại bậc nhất ở Tây Nguyên và nước ta thời cận đại

Trong thời cận đại, từ khi thực dân Pháp tìm cách thiết lập ách thống trị và khai thác thuộc địa ở vùng Tây Nguyên, nhân dân các dân tộc Việt Nam ở đây đã liên tục đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ và giải phóng quê hương, nhưng quy mô rộng, thời gian dài bậc nhất là khởi nghĩa do N'Trang Lơng lãnh đạo.

Thứ nhất, về quy mô phong trào, đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô cộng đồng dân tộc rộng lớn. Lúc đầu là vùng Đắk Song, Đắl Mil, sau đó, cuộc khởi nghĩa đã lan rộng ra cả vùng cao nguyên Đắk Lắk, tác động mạnh mẽ đến nhiều phong trào đấu tranh khác của nhân dân Tây Nguyên, thu hút cả các địa phương thuộc vương quốc Campuchia. Xét về quy mô, đây không còn là một cuộc khởi nghĩa có tính địa phương cục bộ, để thực hiện sự cát cứ của một tù trưởng, bảo vệ cuộc sống của một bộ lạc, một tộc người, mà mang tính cộng đồng đa dân tộc rộng lớn. Quy mô, sự tổ chức của cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng trên thực tế đã vượt qua tư tưởng công xã nhỏ lẻ, ý thức hệ tộc người, mà phát triển cao về chất, có tính cộng đồng quốc gia dân tộc, với một nghĩa quân lực lượng hùng hậu, có kinh nghiệm, có tổ chức kỷ luật chặt chẽ, có người chỉ huy tối cao và các thủ lĩnh địa phương trung kiên.

Về thời gian, đây là cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp có tính nhân dân kéo dài bậc nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam, trong một phần tư thế kỷ (1912-1936). Trước đó và sau đó, trong thời kỳ cận đại, ở nước ta, có nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp như phong trào do triều Nguyễn chủ trương, phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo…, song hiếm có một cuộc khởi nghĩa cụ thể nào ở Tây Nguyên có thời gian kéo dài như cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng. Cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng (1912-1936) mang tính chất nhân dân điển hình. Cuộc khởi nghĩa đã không có một căn cứ, một đồn luỹ cụ thể mang tính truyền thống mà có tính phi truyền thống nhiều hơn, đó là dựa vào nhân dân thuần tuý, rộng rãi, cả về địa bàn đứng chân, về đảm bảo hậu cần, cả về lực lượng chiến đấu và phương thức tác chiến, vũ khí trang bị.

3- Một cuộc khởi nghĩa có tính độc lập, chủ động dân tộc cao của đồng bào Mnông đồng thời có sự liên minh dân tộc và quốc tế nhất định
Trước hết, đây là cuộc khởi nghĩa có tính tự chủ, chủ động cao của đồng bào dân tộc Mnông, một dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Cuộc khởi nghĩa mang tính nhân dân đậm nét nên đã lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia, cả người Mnông, Stiêng, người Kinh và đồng bào các dân tộc khác trong vùng. Nhiều công nhân, nhiều chiến sĩ cộng sản ở nhà đày Buôn Ma Thuột bị bắt đi làm đường, làm đồn bốt ở vùng này đã tìm cách tiếp xúc, tuyên truyền giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng cho đồng bào các dân tộc địa phương, nhất là với những người bị cưỡng bức đi làm xâu. Thông qua sự tiếp xúc đó, ảnh hưởng của tư tưởng tiến bộ cũng ít nhiều tác động đến ý thức dân tộc và giai cấp cho nhân dân sở tại, kể cả với một số phần tử lớp trên.

Thứ hai, đây là cuộc khởi nghĩa có tính liên minh quốc tế nhất định. Cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng tuy nổ ra trên địa bàn Việt Nam, do người Việt Nam lãnh đạo, song trong quá trình phát triển đã có nhiều cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp diễn ra trên đất Campuchia, có sự tham gia hưởng ứng của đồng bào các dân tộc nước bạn. Với sự liên minh có tính tự nguyện, tự nhiên của dân tộc hai bên biên giới Việt Nam – Campuchia, cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng đã thu hút được đông đảo nhân dân hai nước tham gia, vừa chủ động đánh địch bảo vệ quê hương từ xa, vừa tăng thêm lực lượng cho nghĩa quân và tạo được cơ sở đứng chân cho nghĩa quân khi cần thiết. Một cuốn sử Campuchia có đoạn: "Nhân dân các dân tộc trong vùng coi N'Trang Lơng là thủ lĩnh tối cao của họ và tuân theo mệnh lệnh chiến đấu ông giao cho họ. Người Pháp biết vậy nhưng không làm được gì".

Đặc điểm này nói lên địa bàn và thành phần của cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng là rộng lớn, không chỉ trên địa bàn Việt Nam, với sự hưởng ứng của nhiều dân tộc Tây Nguyên mà còn mang tính liên minh dân tộc láng giềng/quốc tế chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Điều đó chứng tỏ một khi "lợi ích tương quan, văn hóa tương đồng, chính trị tương thích" thì sự liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là tự nhiên, tự nguyện của các dân tộc trong một quốc gia và giữa các nước với nhau.

4- Cuộc khởi nghĩa thất bại cơ bản do tương quan lực lượng vật chất bất lợi và sự hy sinh của cá nhân người đứng đầu

Thứ nhất, về vũ khí trang bị, phía nghĩa quân hầu như không có gì sánh được với quân địch. Ngoài một số giáo mác, cung nỏ, trang bị của nghĩa quân rất thiếu thốn, thô sơ. Trong khi đó, dù chỉ có "hoả lực súng trường", quân Pháp cũng có thứ vũ khí tối tân, hiệu quả chiến đấu cao hơn hẳn nghĩa quân. Do vậy, trong các cuộc đọ sức, nghĩa quân chủ yếu phải tiếp cận đối phương dùng sức mạnh cơ bắp và tinh thần quả cảm để diệt địch, nên bị tổn thất nặng nề. Đối với một cuộc khởi nghĩa ít nhiều mang tính "anh hùng ca" của đồng bào dân tộc thiểu số, việc thủ lĩnh – tù trưởng tối cao N'Trang Lơng bị hy sinh cũng là một yếu tố hết sức bất lợi cho phong trào.

Hai là, về nhân lực, quân Pháp tuy không đông, song là đội quân xâm lược nhà nghề, triệt để sử dụng các thủ đoạn khủng bố tàn bạo. Không chỉ được huấn luyện chu đáo, có vũ khí tối tân nên ít bị tổn thất, quân Pháp còn tàn sát đối phương không ghê tay. Chúng sử dụng thủ đoạn đốt phá buôn làng, hãm hiếp phụ nữ, bắt bớ, tra tấn người thân, đào bới mồ mả, xâm phạm thần linh… của những người tham gia nghĩa quân, nhất là của các thủ lĩnh để buộc tội họ phải đầu thú, đầu hàng. Chúng dùng muối để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo nhân dân, nghĩa quân buộc họ phải rời rừng núi ra vùng chúng kiểm soát vì sự sinh tồn. Do đó, lực lượng nghĩa quân vừa bị tổn thất lớn trong chiến đấu vừa bị suy giảm bởi các thủ đoạn hèn hạ, dã man của địch.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng bị thất bại không phải do sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến đấu, hay thiếu đoàn kết thống nhất, do địa bàn bất lợi như nhiều cuộc khởi nghĩa khác mà chủ yếu do tương quan lực lượng yếu hơn địch về vũ khí trang bị và do sự hy sinh của thủ lĩnh tối cao N'Trang Lơng.

Những đặc điểm thất bại này là nguyên nhân nhất thời, không thuộc về bản chất của phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bảo Mnông. Do đó, nó sẽ được nhân dân Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung khắc phục trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương ở các chặng đường tiếp theo khi có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản và sự đoàn kết, hợp tác bền chặt Kinh - Thượng, đoàn kết quốc tế trong sáng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, sau 110 năm kể từ khi phong trào N'Trang Lơng khởi phát, vẫn có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của cuộc đấu tranh đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của phong trào N'Trang Lơng đã được đồng bào Mnông cũng như đồng bào các dân tộc ở miền Trường Sơn - Tây Nguyên nước ta phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ sau 1975, ngọn lửa chiến đấu của truyền thống N'Trang Lơng vẫn không ngừng rực cháy trong sự nghiệp xây dựng đất nước và trong công cuộc đấu tranh chống tập đoàn tội phạm PULRO - tay sai của nước ngoài, bảo vệ an ninh trên quê hương các dân tộc, đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của đất nước.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát huy tinh thần và khí thế N'Trang Lơng, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc, xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp. 
Trên chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2021, quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt hơn 20.700 tỷ đồng, tăng 8,63% so với năm trước. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giai đoạn ước đạt 6,15% (gần bằng với mức bình quân chung của cả nước), GRDP bình quân đầu người đạt 52,1 triệu đồng. Thu ngân sách đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 2.600 tỷ đồng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 36/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm; Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đắk Nông quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tiếp tục phát huy truyền thống quật cường, bất khuất của quê hương N'Trang Lơng anh hùng, đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua thách thức, tạo sức bật vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu đưa kinh tế Đắk Nông đạt mức bình quân của cả nước, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Phạm Lục