KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Cư Jút là huyện ở phía Bắc của tỉnh Đắk Nông, là cửa ngõ nối liền với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Nhân dân các dân tộc huyện Cư Jút đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo trong lao động, sản xuất vươn lên dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, vững bước trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Cư Jút giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sau 30 năm thành lập và phát triển, đến nay huyện Cư Jút đã phát triển một cách toàn diện, năm 2020 huyện đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhằm tổng kết, đánh giá những chặng đường lịch sử đã qua, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện Cư Jút, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", Kế hoạch số 72–KH/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Jút triển khai chỉnh lý, bổ sung và biên soạn cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút, giai đoạn 1945 - 2020". Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút giai đoạn 1945-2020 trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút, giai đoạn 1945 - 2010" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IV, có chỉnh biên, bổ sung một số nội dung lịch sử và biên soạn thêm nội dung giai đoạn 2010-2020. Cuốn sách ghi lại chặng đường dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc huyện Cư Jút đã đấu tranh chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thống nhất đất nước; chặng đường 30 năm huyện Cư Jút thành lập và phát triển, 35 năm cùng Nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thành viên Hội đồng thẩm định cùng đại diện Ban Chủ trì đề tài chụp hình lưu niệm tại Hội nghị thẩm định Đề tài "Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút, giai đoạn 1945-2020", ngày 30/3/2022 |
Qua các lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, nội dung đề tài đã được biên tập, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn chỉnh, đủ điều kiện để tổ chức hội đồng thẩm định.
Sáng ngày 30/3/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề tài "Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút, giai đoạn 1945-2020". Hội đồng thẩm định gồm có 9 thành viên do đồng chí Bùi Huy Thành, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Chủ tịch hội đồng; đại diện Ban Chỉ đạo Đề tài có đồng chí Võ Ngọc Ánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư Jút, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đại diện ban biên soạn, ban biên tập và một số đại biểu liên quan cùng tham dự.
Sau 1 buổi với các ý kiến đánh giá, góp ý, phản biện của các ủy viên và thành viên hội đồng, đề tài được đánh giá có những ưu điểm nổi bật. Đây là một công trình có ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, khoa học và thực tiễn, nội dung các vấn đề được đề cập có căn cứ xác đáng, thống nhất, có sự tham khảo, kế thừa các công trình lịch sử của Trung ương, của tỉnh và của huyện. Đề tài đã xác định đúng đối tượng nghiên cứu là hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ huyện Cư Jút, trực tiếp là Ban chấp hành Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; hoạt động lãnh đạo các phong trào cách mạng của nhân dân địa phương qua các thời kỳ lịch sử; những đóng góp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ. Đề tài đã bám sát quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để sử dụng các phương pháp nghiên cứu và biên soạn lịch sử như: phương pháp thống kê, tổng hợp; phương pháp lịch sử, logic, đối chiếu, so sánh, thống kê để làm rõ vấn đề...
Tuy nhiên, nội dung đề tài còn một số tồn tại cần tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh, như: bổ sung các Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng bộ tỉnh ở các giai đoạn, các thời kỳ; một số đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn huyện (tính đến năm 2020); làm rõ thêm về việc thành lập các tổ chức đảng đầu tiên trên địa bàn huyện Cư Jút (1950 có 02 chi bộ); nghiên cứu, viết rõ thêm di tích Hang đá (bên suối Ea Pô), Sở chỉ huy do Thượng tướng Hoàng Minh Thảo phụ trách, điều hành việc triển khai chiến dịch phía Nam Tây Nguyên vào cuối 1974 và 1975; nội dung triển khai Chỉ thị 100- CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (Khoán 100); về ý nghĩa và đánh giá sâu hơn sự kiện thành lập đảng bộ huyện (năm 1990) để thấy rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trên địa bàn Cư Jút; đối chiếu, thống nhất một số sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử cho chính xác; bổ sung một số hình ảnh nổi bật trên các lĩnh vực đạt được của Đảng bộ huyện Cư Jút qua các giai đoạn lịch sử …
Kết luận cuộc họp, chủ tịch hội đồng khẳng định, đề tài cần phải tích cực tiếp thu, chỉnh sửa và có báo cáo giải trình theo ý kiến đánh giá của các thành viên và kết luận của Chủ tịch hội đồng; sớm hoàn thiện nội dung, để kịp thời in ấn, phát hành trong thời gian tới. Cuốn sách xuất bản sẽ là tài liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Cư Jút, đặc biệt là thế hệ trẻ, từ đó góp phần củng cố niềm tin, lý tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Cư Jút phát triển bền vững và toàn diện.
Phạm Lục