KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
09/05/2022 | 16:27  | View count: 1797

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng đến tính ứng dụng, hiệu quả. Nhờ đó, nhiều chương trình, đề tài KH&CN đã đi vào thực tiễn sản xuất của người dân.

Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ về ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, đời sống. Nhiều mô hình KH&CN đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, thực nghiệm và thực tiễn.

Tại huyện Đắk R'lấp, để ứng dụng tiến bộ KH&CN, địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa.

Chẳng hạn như mô hình trồng hoa hồng theo hướng hữu cơ, tổng kinh phí thực hiện hơn 105 triệu đồng; mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, với tổng kinh phí thực hiện hơn 97 triệu đồng...

Các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều bà con trên địa bàn.

Việc tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thường xuyên được địa phương phối hợp với ngành chức năng thực hiện. Trong năm, huyện đã tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình cho nông dân tại các xã.

Qua các nhiệm vụ khoa học, huyện đã xây dựng được 24 mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình tại 3 xã, thị trấn. Huyện cũng hỗ trợ xây dựng 5 mô hình xử lý chuồng trại chăn nuôi gia cầm cho người dân xã Quảng Tín.

Tập huấn xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình tại huyện Đắk R'lấp

Theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp, năm 2022, trên địa bàn huyện triển khai một số nhiệm vụ KH&CN về tưới nước nhỏ giọt cho cây sầu riêng.

Để hỗ trợ các nhiệm vụ này, huyện mong muốn ngành KH&CN tiếp tục có các lớp tập huấn để chuyển giao công nghệ cho người dân. Từ đó, huyện giúp người dân nhân rộng những kết quả ứng dụng KH&CN.

Tương tự, Huyện Cư Jút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp KH&CN để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Nổi bật nhất là huyện đã hỗ trợ nhiều hộ dân ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm gấc, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.

Nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu tạo ra sản phẩm tiêu dùng phổ thông, có thành phần dinh dưỡng tự nhiên từ quả gấc. Từ đó giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế từ cây gấc. Mô hình dự kiến đạt sản lượng thu hoạch khoảng 3 tấn gấc/năm…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở TP. Gia Nghĩa

Theo Sở KH&CN, trong những năm qua, hầu hết các ngành, địa phương đã phê duyệt, triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp.

Nhìn chung, các chương trình, đề tài khoa học đã bám sát và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, thực nghiệm và đã được nhân rộng, phát huy trong thực tiễn. Một số địa phương, ngành chức năng đã lựa chọn, cấp kinh phí thực hiện những đề tài, dự án và xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Thời gian tới, các huyện, thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với điều kiện của địa phương, nhằm giải quyết những khó khăn trong sản xuất, đời sống của Nhân dân.

Công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH&CN cấp cơ sở và người dân tiếp tục được ngành chức năng phối hợp thực hiện thường xuyên.

Ngành KH&CN sẽ tổ chức tốt việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, nhằm tạo ra sản phẩm mới, ngành nghề mới. Từ đó góp phần nhân rộng và tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử