KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Với những tiềm năng về đất đai, khí hậu, Đắk Nông đã, đang phát triển được nhiều vùng nguyên liệu hàng hóa nông sản có chất lượng. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
"Mũi nhọn" cà phê, hồ tiêu
Từ lâu, cà phê đã được xem là loại cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Toàn tỉnh hiện có 131.000 ha cà phê, đứng thứ 3 cả nước (sau Đắk Lắk, Lâm Đồng). Cùng với diện tích lớn, tỉnh có nhiều vùng sản xuất cà phê tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều diện tích cà phê của tỉnh đạt các tiêu chí về sản xuất nông nghiệp tốt trong nước và quốc tế. Sản lượng cà phê của tỉnh đều tăng qua từng năm, bảo đảm nhu cầu nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Riêng năm 2020, sản lượng cà phê của Đắk Nông đạt mức 306.700 tấn.
Nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng đẩy mạnh thâm canh, đưa vào sản xuất các giống cà phê mới có chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đến nay, nông dân toàn tỉnh đã tái canh được trên 20.500 ha cà phê già cỗi với hình thức trồng mới và ghép cải tạo. Nhiều diện tích cà phê được tái canh bằng các giống TR4, TR5, TR9, TS1, cà phê dây..., cho năng suất cao hơn rất nhiều so với cà phê giống thực sinh trước đây. Cà phê tái canh cho năng suất bình quân 3-5 tấn/ha.
Người sản xuất cà phê từng bước chuyển dần sang hướng canh tác cà phê bền vững, gắn với bảo vệ sức khỏe, môi trường, sản phẩm an toàn (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Người sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng sản xuất cà phê sạch, sinh học. Bà con từng bước chuyển dần sang hướng canh tác cà phê bền vững, gắn với bảo vệ sức khỏe, môi trường, sản phẩm an toàn.
Đắk Nông đang xây dựng 6 vùng sản xuất cà phê trọng điểm gồm: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R'lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô. Riêng tại Đắk Mil, đã có 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, với diện tích 335 ha.
Hồ tiêu cũng là cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Việc phát triển hồ tiêu những năm qua được người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh theo hướng hữu cơ.
Toàn tỉnh hiện có 32.000 ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 63.000 tấn. Nhiều diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt các chứng nhận như VietGAP, USDA Oganic, 4C...
Tỉnh đã có 2 vùng canh tác hồ tiêu tập trung ở các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song) được công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 1.500 ha. Tại 2 vùng sản xuất hồ tiêu này, người dân đã áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest.
Sản phẩm hồ tiêu ở đây đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Đắk Song". Một phần sản lượng hồ tiêu của vùng sản xuất này được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Nhiều diện tích hồ tiêu của tỉnh đạt chuẩn Oganic |
Phong phú, đa dạng cây ăn quả, ngắn ngày
Đắk Nông hiện có khoảng 16.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó hai loại cây có diện tích lớn là bơ (4.300 ha, sản lượng 18.900 tấn/năm) và sầu riêng (3.600 ha, sản lượng 22.200 tấn/năm).
Tỉnh đã và đang hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung như sầu riêng ở Đắk Mil, Gia Nghĩa; xoài, bơ ở Đắk Mil, Đắk R'lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô, Gia Nghĩa; chanh dây ở Đắk R'lấp, Đắk Glong và Gia Nghĩa...
Tỉnh xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung tại huyện Tuy Đức. Hiện diện tích mắc ca đã đạt gần 800 ha. Đến nay, khoảng 3/4 diện tích mắc ca đã cho thu hoạch. Tỉnh đang xúc tiến các kế hoạch để xây dựng Tuy Đức trở thành "thủ phủ" mắc ca của Tây Nguyên.
Ngoài vùng nguyên liệu cây dài ngày, Đắk Nông còn có các vùng sản xuất các loại cây ngắn ngày được thị trường ưa chuộng. Hằng năm, tỉnh có khoảng 60.000 ha sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm.
Đắk Nông có vùng trọng điểm sản xuất lúa ở Krông Nô, với diện tích hàng ngàn ha mỗi năm. Vùng sản xuất lúa này được ứng dụng các giống lúa mới vào sản xuất, đạt hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến các giống lúa như RVT, ST24, ST25... cho năng suất bình quân hơn 8 tấn/ha/vụ.
Vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Choáh đạt tiêu chuẩn VietGAP |
Mỗi năm, người dân Đắk Nông sản xuất trên 5.500 ha rau xanh các loại như: rau cải, bắp sú, su su, cà rốt, cà chua, khoai tây, bí xanh, bí đỏ..., sản lượng đạt khoảng 66.900 tấn.
Tỉnh hiện có trên 7.500 ha khoai lang Nhật Bản, sản lượng gần 88.000 tấn. Khoai lang được sản xuất tập trung ở Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong và Krông Nô...
Nhiều diện tích ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có 73.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn. Trong đó, có 140 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, với 21.000 ha, sản lượng ước đạt trên 88.200 tấn.
Cụ thể, Đắk Nông có trên 1.300 ha sản xuất đạt VietGAP của 62 cơ sở, sản lượng ước đạt 1.300 tấn/năm. Tỉnh có gần 400 ha sản xuất của 12 cơ sở đạt chứng nhận hữu cơ; trên 19.700 ha đạt các chứng nhận tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance.
Đáng chú ý, tỉnh đã có vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại xã Thuận An (Đắk Mil), với diện tích 335 ha. Vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Choáh (Krông Nô), với diện tích gần 1.000 ha, cũng đã được tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sản phẩm bơ của tỉnh đạt chất lượng cao |
Ngành chăn nuôi có quy mô lớn
Những năm gần đây, chăn nuôi của Đắk Nông phát triển mạnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, đến tháng 6/2021, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt khoảng 346.000 con, tăng khoảng 25.000 con so với cuối năm 2020.
Trong đó, lớn nhất là đàn heo 276.000 con; đàn dê: 34.000 con; đàn bò: 31.500 con và đàn trâu 5.200 con. Tỉnh có đàn gia cầm khoảng 2,6 triệu con. Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình chăn nuôi động vật đặc sản như heo rừng, nai, nhím, gà đông tảo...
Đắk Nông còn được coi là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, bài bản. Số lượng trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 trang trại chăn nuôi, trong đó khoảng 170 trang trại quy mô lớn. Về cơ cấu, có 76 trang trại nuôi heo, 73 trang trại nuôi bò và 21 trang trại gia cầm. Tổng đàn của chăn nuôi trang trại hiện chiếm khoảng 77% so với tổng đàn vật nuôi của tỉnh.
Song song với sự gia tăng về số lượng, vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm chăn nuôi bền vững đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các vấn đề về tuân thủ đúng quy hoạch, chiến lược chăn nuôi theo vùng tập trung, bảo vệ môi trường... luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu.
Tỉnh đã hình thành được một số vùng chăn nuôi tập trung, quy mô hàng hóa. Đó là vùng chăn nuôi heo ở Cư Jút, Đắk Song, Đắk R'lấp; chăn nuôi bò ở huyện Krông Nô; chăn nuôi gia cầm ở huyện Đắk R'lấp...
Ngành chăn nuôi đã được tỉnh quy hoạch, có chiến lược một cách bài bản. Cụ thể, tỉnh quy hoạch các vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Phú (Krông Nô), với diện tích 1.226 ha, số lượng đàn đạt 22.000 con.
Vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch tại các xã Quảng Khê, Đắk Ha và Đắk Som (Đắk Glong), tổng diện tích 150 ha (khoảng 25 - 30 cơ sở, mỗi cơ sở khoảng 3.000 con/lứa).
Tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Tín (Đắk R'lấp), với diện tích 60 ha (khoảng 20 cơ sở, 100.000 con/lứa/cơ sở).
Tỉnh dự kiến quy hoạch 9 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đến năm 2035 gồm: 5 vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản, với diện tích 2.226 ha; 3 vùng nuôi heo, diện tích 230 ha và 1 vùng nuôi gia cầm, diện tích 60 ha.
Cơ hội cho chế biến sâu
Nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng, tuy nhiên Đắk Nông hiện vẫn chưa có nhiều nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc "dư địa" đầu tư vào chế biến nông sản ở Đắk Nông vẫn còn rất lớn.
Đắk Nông hiện chỉ có 67 doanh nghiệp chế biến nông sản, nhưng ở quy mô nhỏ, vừa. Trong đó, huyện Đắk R'lấp và Cư Jút mỗi huyện 14 doanh nghiệp; Gia Nghĩa 12 doanh nghiệp; Đắk Mil 11 doanh nghiệp; Đắk Song và Tuy Đức mỗi huyện 6 doanh nghiệp; Đắk Glong 4 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chủ yếu chế biến các loại nông sản như: cà phê nhân, hồ tiêu, hạt điều, đậu phụng, chanh dây, mía đường, mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, sachi, ca cao, rau quả, sầu riêng, khoai lang...
Thế nhưng, sản lượng chế biến của các doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng nông sản hàng năm của tỉnh. Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh luôn có quỹ đất dồi dào, thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất. Nguồn lao động trên địa bàn tỉnh ngoài số lượng, chất lượng tay nghề cũng đang từng bước được nâng lên, có thể đáp ứng cho nhiều lĩnh vực sản xuất...
Theo Báo Đắk Nông Điện tử