KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Nhiều địa phương cho rằng, việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn chậm, gây phiền hà đến người dân, cản trở thu hút đầu tư.
Cùng một thủ tục, "cò" làm nhanh hơn
Đắk Mil là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện đã cơ bản đi vào nề nếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều người dân trên địa bàn huyện còn than phiền về việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Người dân đến làm thủ tục đất đai tại bộ phận một cửa của UBND TP. Gia Nghĩa |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng, người dân có ý kiến phản ánh nhiều nhất là việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu và chuyển mục đích sử dụng đất. Huyện Đắk Mil vẫn còn tồn tại nhiều "cò" thủ tục đất đai. Cùng một bộ thủ tục, người dân làm thì chậm, nhưng "cò" làm lại rất nhanh. Cá biệt có trường hợp, cùng một thửa đất, cùng một thủ tục, người dân lên làm thì không được, nhưng "cò" lại làm được. "Người dân không hài lòng là hoàn toàn có căn cứ", ông Hoàng thừa nhận.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh cho rằng, dư luận trên địa bàn có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Điều này được phản ánh nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp dân của UBND TP. Gia Nghĩa và cả dư luận bên ngoài.
Theo ông Tịnh, việc gây khó dễ trong quá trình làm thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu, chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra và chưa được xử lý dứt điểm. Thành phố đã nắm bắt được thông tin và sẽ cố gắng xử lý nghiêm một vài trường hợp để chấn chỉnh.
Chấn chỉnh khắc phục tồn tại
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các địa phương, các đơn vị có liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đã yêu cầu phải tập trung chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Qua dư luận, UBND tỉnh đã nắm bắt được nhiều ý kiến phản ánh tình trạng "tham nhũng vặt", cố tình gây khó dễ của cán bộ thuộc lĩnh vực đất đai. Cụ thể như việc người dân tự nộp, tự làm hồ sơ đất đai luôn chậm hơn nhiều so với một "dịch vụ" đứng ra làm thay. Các hồ sơ đầy đủ, nhưng việc giải quyết còn chậm trễ, không rút ngắn được thời hạn, không thể hiện được tiến bộ trong cắt giảm thủ tục hành chính...
Cũng theo Phó Chủ tịch Lê Trọng Yên, các đơn vị, địa phương đã nhìn ra được tồn tại, vướng mắc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý Nhà nước đã biết được vướng mắc ở đâu, vì sao lại có tình trạng hồ sơ thì xử lý nhanh, hồ sơ thì chậm.
Đã nhìn ra được vướng mắc thì cần phải tập trung vào việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại. Hồ sơ của đơn vị, cá nhân đầy đủ, cần giải quyết càng sớm càng tốt, không nên đợi đến hạn mới trả.
Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch hơn nữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để các đơn vị, cá nhân tiếp cận. "Có hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong cải cách thủ tục hành chính thì Đắk Nông mới nâng cao được sự hài lòng của người dân và tạo điều kiện để thu hút đầu tư", Phó Chủ tịch Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử