TIN TRONG NƯỚC

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020"
18/03/2020 | 16:48  | View count: 22522

Sáng ngày 18/3, tại phòng họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông có các đồng chí: Nguyễn Bốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Thanh Tùng - TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm của tỉnh.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Tại Hội nghị đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" cụ thể sau 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được nâng lên. Giai đoạn 2009 - 2019, sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng. Việt Nam có đủ nguồn lương thực đa dạng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, tình trạng thiếu dinh dưỡng giảm từ 18,2%, trong giai đoạn 2004 - 2006 giảm xuống còn 10,8%.

Việt Nam không chỉ tự đảm bảo an ninh lương thực mà còn đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu từ 5 - 7 triệu tấn gạo. Các kênh phân phối lương thực không ngừng mở rộng và hoàn thiện, thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần, giúp cải thiện khả năng tiếp cận lương thực. Thu nhập của người trồng lúa cơ bản đảm bảo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó còn tồn tại, hạn chế về việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu: còn 06 chỉ tiêu chưa đạt hoặc khó đạt; đó là, 02 chỉ tiêu về sản xuất ngô; 01 chỉ tiêu về chăn nuôi; 03 chỉ tiêu về đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Tại tỉnh Đắk Nông, sau 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", đến nay sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp năm 2018 (GRDP) - giá 2010) ước đạt 8.288 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 5,96%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 443.844 tấn/413.906 tấn Kế hoạch, đạt 107 Kế hoạch, (trong đó : thóc 78.666 tấn, ngô 365.178 tấn), tăng 172.843 tấn so với năm 2008...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh thì vấn đề an ninh lương thực càng phải đặt lên hàng đầu; phải đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống, giữ vững diện tích và sản lượng lúa hàng năm, tăng cường dự trữ lương thực. Đi liền với đó, cần gắn sự phát triển của nông nghiệp với tái cơ cấu nền kinh tế. Chuyển từ mục tiêu đủ ăn sang đủ nguồn cung lương thực đa dạng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn; Nâng cao tầm vóc và sức khỏe, tuổi thọ của người dân Việt Nam. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới cần sử dụng và giữ vững quỹ đất lúa, đảm bảo làm nòng cốt an ninh lương thực quốc gia. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đa dạng hóa sản xuất lương thực, giảm lệ thuộc vào lúa. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong khâu chọn giống, phòng bệnh, bảo vệ môi trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế, chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp…

Song Thư