TIN TRONG NƯỚC

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”
05/07/2018 | 14:21  | View count: 6373

Ngày 05/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Các đồng chí: Ngô Thanh Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Trung Ký - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam, HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và địa phương; tập thể lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị
 

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị (NQ số 23), cùng với thực hiện Chương trình hành động số 33-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện NQ số 23, văn học, nghệ thuật tỉnh Đắk Nông có những bước phát triển vượt bậc so với những năm đầu mới thành lập, không khí hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cũng đạt được một số kết quả nhất định. Việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các loại hình nghệ thuật và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ văn nghệ sĩ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất để tổ chức cho đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia các trại sáng tác, đi thực tế sáng tác, triển lãm mỹ thuật, liên hoan ảnh nghệ thuật, liên hoan âm nhạc; đồng thời phối hợp với Trung ương đăng cai tổ chức các sự kiện cấp khu vực về văn học, nghệ thuật; phối hợp với các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ hội viên và giới thiệu tác phẩm và tổ chức triển lãm nhiếp ảnh về vùng đất, con người tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Ngô Thanh Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị
 

Trong 10 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ và những người tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật được bổ sung và phát triển khá nhanh. Năm 2008, Hội Văn học Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh chỉ có 50 hội viên, đến nay đã có 126 hội viên. Phần lớn văn nghệ sĩ tâm huyết trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Tư tưởng chính trị vững vàng, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, không có hiện tượng lệch lạc về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Hiện nay, Hội VH-NT tỉnh có 4 chi hội chuyên ngành (Chi hội Âm nhạc – biểu diễn, Chi hội Văn học – Văn nghệ dân gian, Chi hội Mỹ thuật, Chi hội Nhiếp ảnh); 3 chi hội cơ sở là Chi Hội VH-NT các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk R'lấp; 5 chi hội của các hội chuyên ngành Trung ương gồm: Chi hội VH-NT các dân tộc thiểu số, Chi hội VH-NT dân gian Việt Nam, Chi hội Múa, Chi hội Nhiếp ảnh và Chi hội Mỹ thuật. Từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 23 đến nay, công tác tổ chức và hoạt động của Hội có nhiều khởi sắc, đổi mới toàn diện, bước đầu đã có những đóng góp đáng kể vào sự hưởng thụ văn học, nghệ thuật của nhân dân. Hội cũng đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng ở địa phương và giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong và ngoài tỉnh về tiềm năng của vùng đất và con người tỉnh Đắk Nông.

Công tác xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng đã có nhiều bước phát triển trong thời gian qua. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, đội văn nghệ dân gian ở cơ sở mang bản sắc dân tộc và văn hóa vùng miền với hình thức hoạt động văn hóa đa dạng đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tham dự các hội thi, hội diễn nghệ thuật không chuyên của ngành, khu vực và toàn quốc. Cùng với đó, công tác sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Toàn tỉnh đã thành lập được 80 đội văn nghệ dân gian, có nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ tốt cho công chúng.

Tại Hội nghị, Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương đã cùng đánh giá toàn diện, sâu sắc quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23,chỉ rõ những kết quả đạt được, những vấn đề có sự chuyển biến tích cực; đồng thời làm rõ những khuyết điểm, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; đúc rút những bài học kinh nghiệm sau 10 năm tổ chức thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị gắn với chương trình 33-Ctr/TU của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Các đại biểu cũng đi sâu phân tích tình hình hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh hiện nay, làm rõ những mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mới để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhất là cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay vẫn còn nhiều bất cập; chế độ, chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ của tỉnh chưa được ban hành.  Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chưa được xây dựng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ chưa có sự đầu tư thỏa đáng, đội ngũ văn nghệ sĩ có chuyên môn cao còn ít. Các loại hình hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế, còn thiếu loại hình sân khấu điện ảnh, lý luận phê bình. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hiệu quả chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của văn nghệ sĩ trong quá trình hoạt động, sáng tác văn học, nghệ thuật tại tỉnh Đắk Nông
 

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả về văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ, Hội VH-NT tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cũng ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn chung mà đội ngũ văn nghệ sĩ đã gặp phải trong quá trình hoạt động, sáng tác văn học, nghệ thuật trong điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh và hứa sẽ luôn đồng hành với văn nghệ sĩ, tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển; đồng thời nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cấp, các ngành và  toàn xã hội đối với vai trò của văn học, nghệ thuật trong mọi mặt đời sống; nhất là việc tuyên truyền những đường lối, chủ trương Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua lao động, sản xuất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

Đồng chí Ngô Thanh Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho 4 tập thể thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 23

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh khẳng định: Văn học, nghệ thuật là một hoạt động rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống con người, xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn học, nghệ thuật càng cao. Do vậy vấn đề phát triển văn học nghệ thuật đáp ứng thời kỳ mới là nội dung xuyên suốt trong đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng ta. Đồng chí Ngô Thanh Danh mong muốn sau hội nghị này, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý hoạt động và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật; tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp  được đề cập trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình số 33 của Tỉnh ủy; xác định công tác phát triển văn học nghệ thuật  là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng ngành, địa phương phù hợp với tình hình thực tế;  chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học nghệ thuật tỉnh phát triển, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng chí cũng mong muốn anh chị em văn nghệ sĩ đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo nhiều tác phâm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật của tỉnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế và quảng bá hình ảnh vùng đất, tiềm năng, thế mạnh và con người địa phương.

Đồng chí Hà Trung Ký- UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 23

Nhân dịp này, Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 23

Sam Nguyễn