Đắk Nông mùa bơ chín

Việt Nam mong muốn hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ
24/06/2020 | 13:57  | View count: 6331

Tiếp Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Techonic Industries (TTI), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ mong muốn TTI tích cực phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt Nam trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại để ngày càng nhiều doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng sản xuất đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Techonic Industries (TTI).

TTI là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng của thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Techonic Industries.  

Phó Chủ tịch Tập đoàn TTI, ông Nate Easter cho biết, giai đoạn vừa qua, TTI có quá trình phát triển tốt và bền vững. Ước tính doanh thu của Tập đoàn trong năm 2020 là trên 9 tỷ USD. TTI hiện có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Mỹ, châu Âu và đang xúc tiến triển khai trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam. Những sản phẩm thiết bị công cụ kết nối không dây của TTI chiếm 35% thị phần toàn cầu.

Năm 2018, TTI đã đầu tư vào tỉnh Bình Dương và tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động địa phương. TTI chuẩn bị đầu tư thêm 650 triệu USD vào các nhà máy thiết bị điện không dây trong Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng vào quý III/2021. Bên cạnh đó, TTI cũng triển khai dự án xây dựng trung tâm R&D với kế hoạch thu hút khoảng 2.000 kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo. Tập đoàn đã làm việc với các trường đại học để cung cấp thông tin cho sinh viên, tìm kiếm sinh viên giỏi, cử cán bộ chuyên làm việc với các trường đại học để tìm kiếm, đào tạo nhân lực cho TTI.

Với kế hoạch đầu tư dài hạn, TTI mong muốn đóng góp và đồng hành với sự phát triển công nghiệp, công nghệ cao của Việt Nam, trong đó có việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa. TTI kỳ vọng trong 2 năm tới, thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021.

Để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch điều hành TTI mong muốn Chính phủ hỗ trợ Tập đoàn trong việc chấp thuận, xúc tiến đầu tư tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho hưởng quy chế luồng xanh trong hoạt động xuất khẩu, chấp thuận cho các chuyên gia, kỹ sư tiên tiến nhập cảnh Việt Nam để hỗ trợ phát triển các dòng sản phẩm công nghệ hiện đại; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cung ứng để thúc đẩy quá trình nội địa hóa chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hỗ trợ về tài chính, đất đai, nhà xưởng cho các nhà cung ứng nội địa để có thể đầu tư, xây dựng nhà máy gần TTI, thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng các sản phẩm phụ trợ.

Đánh giá cao trình độ công nghệ và năng lực của TTI, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; đồng thời luôn quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bày tỏ sự ủng hộ của Chính phủ đối với dự án của TTI, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết sẽ giao cho Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh xử lý các vấn đề liên quan đến dự án trong Khu công nghệ cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngành Hải quan xử lý vấn đề về thông quan hàng hóa qua luồng xanh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều trường đại học, có thể đáp ứng được nguồn nhân lực cho dự án như Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số đại học khác có chuyên ngành đào tạo liên quan. Chính phủ cũng đã có chủ trương tiếp nhận các chuyên gia kỹ thuật, quản lý nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để xem xét xử lý các đề xuất của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước trong việc phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đây cũng là chủ trương của Chính phủ Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn TTI với vị thế là một trong các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu trong chuỗi cung ứng, tích cực phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương Việt nam trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại để ngày càng nhiều doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng sản xuất đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh; đồng thời hỗ trợ, ủng hộ để các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của TTI.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm các chính sách phù hợp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phó Thủ tướng cũng mong Tập đoàn có sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo dangcongsan.vn