Đắk Nông mùa bơ chín
Tại phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Ngành ngân hàng tại các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là giải pháp quan trọng thứ 2 (sau cải cách hành chính) để tháo gỡ “nút thắt” nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á Đắk Nông |
Tại Đắk Nông, đến hết tháng 6/2017, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 19.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thời điểm đầu năm 2017. Thời gian qua, thực hiện chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, cũng như triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho doanh nghiệp.
Nhiều gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được triển khai như: Cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất từ 5%-5,5%/năm; cho vay phát triển doanh nghiệp mới với lãi suất tối đa 6%/năm… Tín dụng tăng trưởng khá, nhiều chương trình cho vay ưu đãi được triển khai, từ đây, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số thì tỷ trọng dư nợ cho các nhóm doanh nghiệp này ở Đắk Nông vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân một phần là do điều kiện tiếp cận vốn của các nhóm doanh nghiệp này chưa đáp ứng được các yêu cầu của phía ngân hàng. Bên cạnh đó, mặc dù các gói chính sách hỗ trợ đã triển khai nhưng quá trình thực hiện lại "vướng" nhiều yếu tố cả về khách quan lẫn chủ quan (nhất là phương án sản xuất, kinh doanh, uy tín, thương hiệu) khiến phía ngân hàng chưa "mạnh tay" giải ngân cho những nhóm doanh nghiệp này.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn, nhưng số lượng đơn vị được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn còn khiêm tốn. Đắk Nông có hơn 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng mới có khoảng hơn 700 doanh nghiệp được tiếp cận số vốn trên 2.200 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại.
Nguồn vốn "khơi thông" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa cao là do bản thân các doanh nghiệp này không có hoặc ít có tài sản thế chấp, nên các ngân hàng cũng khá "dè chừng" khi thẩm định để cho vay. Chưa kể, trình độ quản lý vốn của những doanh nghiệp này rất hạn chế. Khả năng lập dự án, cân đối tài chính thường thiếu khả thi. Ngoài ra, về phía các ngân hàng cũng đưa ra những điều kiện, điều khoản để vay vốn mà ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cần được "tiếp sức" về nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại |
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần cân đối nguồn vốn vay giữa các nhóm khách hàng theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng phát triển. Trong đó, toàn ngành cần tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với vấn đề về vốn, các cấp, ngành, địa phương chủ động lồng ghép các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, các địa phương phải nghiên cứu giảm thêm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần chú trọng và có nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, không để xảy ra tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Thực hiện Đề án "Quốc gia khởi nghiệp", cả nước phấn đấu đến năm 2020 thành lập thêm 500.000 doanh nghiệp, với số vốn cần thiết là 235.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải được tiếp cận nguồn vốn gần 400.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. | |
Theo Đăk Nông Online