Đắk Nông mùa bơ chín
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông đã tiến hành giám sát công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế.
Thực hiện cải cách hành chính, giúp người dân thuận tiện trong giao dịch tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Đắk Glong |
Tinh gọn bộ máy
Theo thống kê, các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh có 19 đơn vị; trong đó có 2 đơn vị được tổ chức theo đặc thù của tỉnh là Ban Dân tộc và Sở Ngoại vụ. Qua thực hiện tinh gọn bộ máy, tỉnh đã giảm được 4 đơn vị. Từ việc kiện toàn, sắp xếp, hầu hết các sở, ban, ngành đều thu gọn đầu mối từ 1 đến 3 phòng. Số lượng các trưởng, phó phòng cũng giảm.
Điển hình như Sở Nội vụ giảm từ 8 phòng xuống còn 6 phòng. Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm từ 10 phòng xuống 9 phòng. Sở Tài chính giảm từ 9 phòng xuống 8 phòng… Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong việc giúp các cơ quan, đơn vị gọn về tổ chức, rõ người, rõ việc và đạt hiệu quả cao.
Trong tiến trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, từ chỗ chỉ có một số cơ quan chuyên môn thí điểm thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính thì đến nay đã triển khai thực hiện ở tất cả các cơ quan hành chính thuộc tỉnh. Với cơ chế và tổ chức bộ máy hiện nay đã góp phần nâng cao được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý của các cơ quan, đơn vị. Từ đó, các cơ quan dần nâng cao được chất lượng quản lý, công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng như có điều kiện tăng cao thu nhập cho người lao động.
Điều dễ nhận thấy nữa là chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn đã được tách bạch, không còn chồng chéo, đùn đẩy công việc lẫn nhau. Đây cũng là điều kiện để các đơn vị thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh xuống cơ sở được kịp thời và hiệu quả.
Vẫn còn những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình thực hiện. Theo đó, sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp trong thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa thật sự quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan đầu mối. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách bộ máy hành chính theo lộ trình hàng năm và từng giai đoạn. Vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính còn lúng túng, bị động, chậm trễ và chưa toàn diện.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tăng thêm 13 đơn vị sự nghiệp, nâng tổng số đơn vị sự nghiệp lên 515 đơn vị. Các đơn vị tăng thêm chủ yếu thuộc ngành y tế và giáo dục. Điều đáng nói là dù đã được kiện toàn, sắp xếp lại nhưng các đơn vị sự nghiệp vẫn còn cồng kềnh trong tổ chức, bộ máy, biên chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá trình thiết lập không chú trọng đến đặc thù của tỉnh nên Trung ương có cơ quan nào thì địa phương cũng có cơ quan ấy.
Một bộ phận công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về cải cách bộ máy hành chính, còn thờ ơ trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và nhu cầu giải quyết dịch vụ hành chính ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, kết quả thực hiện cải cách tại một số cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, chưa để lại ấn tượng tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác quy hoạch, bố trí, phân công nhiệm vụ và quản lý cán bộ, công chức ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu tiêu chuẩn quy định, nhất là hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị. Việc đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ. Thực hiện tinh giản biên chế nhưng chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ trương, chính sách tinh giản biên chế là đúng đắn, nhưng tiêu chí, điều kiện đặt ra còn khắt khe nên việc thực hiện chưa đạt kết quả cao. Việc đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc của một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Người dân giải quyết TTHC tại UBND xã Nâm N'Jang (Đắk Song). Ảnh: S.V |
Cần thống nhất ý chí và hành động
Từ thực tế giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận định, cải cách bộ máy hành chính nhà nước hiệu quả sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ và thủ tục giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, góp phần tạo động lực cho sự phát triển về mọi mặt. Mặt khác, cải cách còn góp phần giảm dần, tiến tới xóa bỏ tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức. Tuy nhiên, để làm được điều đó, việc thống nhất ý chí và hành động là điều kiện cần thiết để các đơn vị thực hiện được mục tiêu đề ra.
Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, có quan điểm, cách nhìn nhận đúng đắn và khách quan về sự cần thiết phải cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước. Đối với việc sắp xếp và tổ chức bộ máy, cần rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện và các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước. Tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và điều hành công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cũng như tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra.
Về đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần có những bước điều chỉnh hợp lý. Theo đó, tỉnh cần xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp trực thuộc nếu có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau để giảm đầu mối, thuận lợi trong công tác chỉ đạo điều hành. Đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, cơ quan, đơn vị đề xuất phương án giải thể hoặc sáp nhập.
Theo Đắk Nông Online