Đắk Nông mùa bơ chín
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh xảy ra đối với gia cầm trên địa bàn huyện Krông Nô và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng, ngày 13/6/2016, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3047/UBND-NN, chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện thị xã nghiêm túc thực hiện thực hiện các biện pháp cấp bách, khống chế ngăn chặn kịp thời dịch bệnh cúm gia cầm phát sinh trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Krông Nô chỉ đạo UBND các xã: Đắk Nang, Đức Xuyên (các địa bàn đang xảy ra dịch cúm gia cầm) phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng; các đoàn thể tại địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch như sau:
Thống kê số lượng gia cầm mắc bệnh trên địa bàn và yêu cầu người dân ký cam kết không mua bán, giết mổ, vận chuyển và vứt xác gia cầm mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh ra môi trường. Cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có gia cầm mắc bệnh; hạn chế người ra, vào vùng có dịch.
Thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày tại ổ dịch và tổng tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn huyện để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang khu vực lân cận.
Thực hiện việc tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, gia cầm chết theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch.
Tiêm phòng cho gia cầm khỏe mạnh tại các khu vực đang xảy ra dịch; đồng thời, tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các thôn, buôn, bon, tổ dân phố chưa có dịch trên địa bàn và các vùng lân cận.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chưa xảy ra dịch phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát chặt chẽ tại địa bàn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp.
Định kỳ hàng ngày, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với UBND các huyện, thị xã chưa có dịch:
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn, bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm, chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch, bệnh; bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi.
Thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại nơi có nguy cơ cao như: Cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ gia đình; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết, mổ; chợ, khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật và những nơi công cộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phương tiện,… để cấp phát kịp thời cho các huyện, thị xã thực hiện các biện pháp chống dịch, tiêu hủy gia cầm. Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Krông Nô triển khai, hướng dẫn các biện pháp chống dịch trên địa bàn, không để lây lan ra diện rộng. Thực hiện quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đúng quy định hiện hành; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công an tỉnh: Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với lực lượng thú y, quản lý thị trường,… tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển, mua bán bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Công an huyện Krông Nô bố trí lực lượng phối hợp với Trạm kiểm soát động vật tạm thời của huyện để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào vùng có dịch (ổ dịch).
Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với lực lượng thú y kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành thú y thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thú y, không mua, bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm và lây cho người.
H.N