Đắk Nông mùa bơ chín
Ngày 19/6/2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Tham gia thảo luận về việc sửa đổi Luật, Đại biểu Võ Đình Tín - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị nghiên cứu và bổ sung một số điều khoản về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, có thu nhập bảo đảm từ rừng.
Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu bài phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín.
Đại biểu Võ Đình Tín - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV |
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tôi cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có khá nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình như cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng và xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế; nguồn nhân lực phân tán, chưa đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng. Trong khi đó, không thể phủ nhận được vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả. Thế nhưng dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) chưa quy định vai trò bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung điều khoản vào dự thảo luật việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống bằng nghề rừng, và có thu nhập bảo đảm từ rừng.
Về tên gọi của Luật, tôi tán thành với đề nghị đổi tên Luật như tờ Trình của Chính phủ là "Luật Lâm nghiệp" thay cho Luật Bảo vệ và phát triển rừng vì ngoài các lý do như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu, Lâm nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng v.v…vì thế tiêu đề Luật Bảo vệ và phát triển rừng sẽ không bao hàm tất cả các hoạt động nêu trên, đồng thời đảm bảo đồng bộ với nội dung tại các Điều luật trong dự thảo.
Về phân loại rừng, tôi đồng ý quy định 3 loại rừng như dự thảo luật vì việc phân loại như vậy thuận tiện cho việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong ngành lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.
Về phân định ranh giới rừng, tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật quy định việc đánh số các tiểu khu, khoảnh, lô theo hướng từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Đề nghị xem xét lại quy định này bởi vì hiện nay đang quy định đánh số theo trình tự từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới), nếu đánh số từ Đông sang Tây như trong Dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý lâm nghiệp vì tất cả các hồ sơ quản lý, hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…sẽ phải điều chỉnh lại. Việc đánh số từ Đông sang Tây (từ phải qua trái) thực tế cũng không phù hợp với cách trình bày trên văn bản của người Việt Nam. Ngoài ra không nên quy định số hiệu tiểu khu được đánh số theo ký tự số La Mã tại điểm a, khoản 1, Điều 6 vì hiện nay tại nhiều địa phương đang đánh số tiểu khu theo ký tự số Ả Rập, nếu thay đổi sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh hồ sơ quản lý của các địa phương.
Về một điều luật cụ thể tôi xin góp ý như sau:
- Điểm a, Khoản 2 (Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan) và điểm b, khoản 3 (đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học), Điều 66 có nội dung: "Được tận thu gỗ, củi …". Đề nghị điều chỉnh nội dung này thành: Được tận dụng gỗ, củi …vì khai thác gỗ trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh hoặc trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình là khai thác tận dụng chứ không phải khai thác tận thu.
- Đề nghị điều chỉnh nội dung tại khoản 3, Điều 69: "Được phép khai thác các loại lâm sản khác ngoài gỗ…" thành nội dung: Được phép khai thác lâm sản ngoài gỗ… vì trong lâm nghiệp hiện nay chỉ có hai thuật ngữ là gỗ và lâm sản ngoài gỗ nên việc điều chỉnh như trên sẽ chính xác hơn.
- Tại khoản 1 Điều 77 thêm cụm từ "và hệ sinh thái nông nghiệp có trồng cây lâm nghiệp" vào sau rừng quy hoạch cho lâm nghiệp.
- Tại Điểm c khoản 1 Điều 88 thêm vào đầu câu cụm từ "Chi bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất giao cho chủ rừng thực hiện nhiệm vụ công ích;"
- Đề nghị xem xét lại nội dung tại khoản 1, Điều 95: "Kiểm lâm là tổ chức có chức năng bảo đảm chấp hành luật về lâm nghiệp; trực tiếp bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân ở nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê…". Theo các quy định hiện hành về việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và có trách nhiệm xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể. Vì vậy nếu quy định như trong dự thảo Luật ở trên thì sẽ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác bảo vệ diện tích rừng chưa có chủ; UBND cấp xã sẽ không có trách nhiệm trong việc triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng và điều đó sẽ kéo dài tình trạng rừng không có chủ thực sự, dẫn đến việc rừng sẽ bị lấn chiếm vì trong thực tế Kiểm lâm không đủ lực lượng để trực tiếp bảo vệ diện tích này một cách lâu dài do hầu hết diện tích chưa có chủ đều phân bố manh mún, rải rác. Vì vậy cần phân cấp trách nhiệm đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã trong việc quản lý bảo vệ diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê như quy định hiện hành.
Nam Nhật