Đắk Nông mùa bơ chín
Chiều 7/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Đại biểu Ngô Thanh Danh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia góp ý.
Đại biểu Ngô Thanh Danh phân tích: Dự thảo cần được xem xét lại vì trong thực tế những đơn vị, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác hầu hết không phải là chủ rừng. Nên quy định chủ rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp là không thực sự hợp lý.
Đại biểu Ngô Thanh Danh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 7/6. Ảnh: Truyền hình Quốc hội |
Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung thảo luận của đại biểu Ngô Thanh Danh.
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tôi cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng, vì: Hiện nay hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ranh giới ba loại rừng, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng vẫn chưa được xác định trên bản đồ và thực địa. Các vụ việc chống người thi hành công vụ, bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt với tính chất ngày càng nghiêm trọng, Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật Bảo vệ và phát triển rừng là cần thiết.
Về tên gọi của luật: Tôi tán thành với đề nghị đổi tên luật như tờ Trình của Chính phủ là "Luật Lâm nghiệp" thay cho Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Vì ngoài các lý do như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu, lâm nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng v.v…vì thế tiêu đề Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ không bao hàm tất cả các hoạt động nêu trên, đồng thời đảm bảo đồng bộ với nội dung tại các điều luật trong Dự thảo.
Về phân loại rừng: Tôi đồng ý quy định 3 loại rừng như Dự thảo luật, vì thuận tiện cho việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất trong ngành Lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.
Về những hành vị bị nghiêm cấm: Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm việc cấm "xây dựng các công trình trái pháp luật trên đất lâm nghiệp" vì hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp mà các thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian qua.
Về góp ý một điều luật cụ thể: tại Khoản 1, Điều 24 có nội dung: "Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh được duyệt, được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp". Nội dung này cần được xem xét lại vì trong thực tế những đơn vị, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác hầu hết không phải là chủ rừng. Nên quy định chủ rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp là không thực sự hợp lý.
Đề nghị điều chỉnh nội dung Khoản 1, Điều 27: "Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường" thành nội dung: Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, vì mục đích chính của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không phải là mục đích kinh doanh nên nội dung bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục không thực sự phù hợp với hai loại rừng này.
Theo Đắk Nông Online