Đắk Nông mùa bơ chín

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!
01/06/2017 | 09:29  | View count: 4352

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 163.000 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó, có hơn 2.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Những năm qua, toàn xã hội đã có những nỗ lực để tạo ra một môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em. Cùng với chính sách, nguồn lực đầu tư của Trung ương, hàng năm, tỉnh cũng đã bố trí một khoản ngân sách đáng kể để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em được học tập, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng.

Trao học bổng cho trẻ em vượt khó học giỏi tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017

 

Tuy nhiên, hiện nay ở tỉnh vẫn còn rất nhiều trẻ em và gia đình hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Số lượng trẻ em có nhu cầu cần được chăm sóc, hỗ trợ rất lớn, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số. Trên thực tế, một số quyền của trẻ em vẫn chưa được thực hiện tốt, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các hoạt động phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vấn đề bảo vệ trẻ em trước những hành vi bạo lực, xâm hại… chưa được các địa phương chú trọng đúng mức.

Hiện nay, nhiều vấn đề mới xuất hiện, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như trẻ em bị lạm dụng và xâm hại, làm trái pháp luật, nghiện hút, bị lây nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhiều nguy cơ làm cho trẻ em dễ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt do bị xao nhãng, bạo lực... Sự bùng nổ công nghệ thông tin đã lôi kéo không ít trẻ em đi vào cuộc sống ảo, xa lạ với thuần phong mỹ tục, tập quán của các dân tộc, dẫn đến những sai lạc trong nhận thức, hành vi, hệ quả là bỏ học, vi phạm pháp luật, hành xử vô cảm.

Tình trạng tai nạn thương tích trẻ em xảy ra trên địa bàn trong những năm qua tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 114 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm cho 117 em bị thương và 13 em tử vong; trong đó có 10 em tử vong do đuối nước, thực sự là điều đáng lo lắng và quan tâm.

Nhằm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được tốt hơn, mới đây, UBND tỉnh phối hợp UBND huyện Chư Jút đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề: "Triển khai luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em". 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nghiêm Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút cho rằng, việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em là việc làm thiết thực nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em thoát khỏi bạo lực, xâm hại, bị bóc lột và xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng để trẻ em được sống trong môi trường tốt, được phát triển toàn diện. Về phía huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, các ngành, địa phương, nhà trường, gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như có kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các ngành chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt tập thể nhằm giáo dục và rèn luyện kỹ năng cho học sinh phòng tránh những nguy cơ bị xâm hại, rơi vào tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và tạo điều kiện để các em thực hiện các quyền của trẻ em, các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu vì trẻ em của tỉnh, chú trọng ưu tiên các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số. Các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý thức, trách nhiệm, kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, các cấp các ngành cần triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tố giác kịp thời các hoạt động buôn bán, xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em. Các tổ chức, cá nhân phát huy vai trò trong việc tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng những hành động thiết thực, nhất là quan tâm tới trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS và trẻ em dân tộc thiểu số. Các hoạt động vui chơi giải trí, bồi dưỡng năng khiếu, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục truyền thống cần được tổ chức thường xuyên, bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tình trạng tai nạn thương tích trẻ em trong dịp nghỉ hè.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em là thông điệp đầy tính nhân văn, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Theo Đăk Nông Online