Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em (Ảnh:KS)
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới trẻ em được diễn ra, trong đó Luật Trẻ em 2016 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Bên cạnh đó, lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hỗ trợ, can thiệp và xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; ưu tiên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em là nạn nhân trong quá trình tố tụng. Thúc đẩy phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông qua tháng hành động, mỗi người lớn, gia đình và xã hội cần có những cam kết, những hành động cụ thể, thiết thực trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã bày tỏ sự vui mừng khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em của nước ta. Trong những năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đã có cam kết chính trị mạnh mẽ tích cực và xây dựng nhiều chương trình, chính sách để thực hiện công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Qua đó, chất lượng cuộc sống của trẻ em đã được cải thiện đáng kể từ nhiều khía cạnh như: dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, văn hóa và phát triển con người.
Song song với kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp phải một vấn đề lớn được cả thế giới quan tâm, đó là tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em. Bạo lực và xâm hại trẻ em đang được coi là một vấn nạn trong phạm vi toàn cầu và Châu Á là một trong những khu vực có tỷ lệ bạo lực xâm hại trẻ em cao trên thế giới. Ở Việt Nam, hiện tượng này đang có nguy cơ ngày càng tăng, nhất là những vụ xâm hại tình dục trẻ em đang có diễn biến phức tạp và gây bức xúc dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Đào Ngọc Dung trao quà cho các em nhỏ tại buổi lễ (Ảnh:KS)
Để giải quyết tình trạng trên, Phó Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực triển khai và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Thông qua Chỉ thị, các cơ quan liên quan cần quán triệt và triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt các giải pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bao lực, xâm hại trẻ em. Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em cũng như các chủ trương, chính sách về bảo vệ và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí cần không ngừng tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc phụ huynh, thành viên trong gia đình, giáo viên và những người trực tiếp làm việc với trẻ em, cũng như giáo dục cho trẻ những kĩ năng tự bảo vệ bản thân. Phó Chủ tịch nước tin tưởng, với sự nỗ lực của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, trẻ em Việt Nam sẽ được sống, học tập và vui chơi trong một môi trường thực sự an toàn và lành mạnh.
Cũng nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội đã trao 50 suất quà và học bổng cho 50 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập./.
Theo dangcongsan.vn