Cà phê doanh nhân

Doanh nghiệp Đắk Nông khai thác sâu thị trường nội địa
Ngày đăng 23/11/2020 | 09:24  | View count: 33634

Hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Đắk Nông ngày một phong phú, đa dạng, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đang từng bước làm chủ được thị trường nội địa, nhất là tại các thành phố lớn.

Chủ động khai thác thị trường

Gạo ST 24 của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, xã Buôn Choáh (Krông Nô) là sản phẩm tương đối mới mẻ, nhưng hiện đã có mặt ở rất nhiều nơi như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Gạo ST24 của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) đang được nhiều khách hàng ưa chuộng

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh hiện có 304 xã viên, với tổng diện tích lúa hơn 440 ha. Vụ đông xuân năm 2020, trung bình năng suất lúa ST24 của đơn vị đạt từ 1-1,3 tấn/ha. Theo lãnh đạo HTX, vụ mùa tới, đơn vị sẽ tiếp tục dành một nửa diện tích đất để sản xuất giống lúa ST24. Diện tích đất còn lại, đơn vị sẽ chuyển qua trồng giống lúa ST25.

Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng ban Quản lý VietGAP của HTX cho biết, gạo ST24 đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ thị trường. Do đó, đơn vị sẽ tranh thủ cơ hội này để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa phát triển thêm giống lúa mới, mang lại năng suất cao cho bà con xã viên.

Vừa qua, đơn vị đã ký kết hợp đồng với Giáo sư Hồ Công Cua (Sóc Trăng) để được cung cấp giống lúa lâu dài. Hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất lúa của HTX đều được thực hiện theo quy trình VietGAP. "Đơn vị cũng đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đăng ký nhãn hiệu, bao bì… Từ đó giúp cho sản phẩm ra thị trường thuận lợi hơn, không phải thông qua một đơn vị trung gian nào khác", bà Vân chia sẻ.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thịnh Phát (Gia Nghĩa) là một trong những đơn vị khá tích cực trong việc tham gia các thị trường tiêu thụ trong nước. Đến nay, sản phẩm mắc ca các loại của  công ty đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Để khẳng định tên tuổi một cách rõ ràng hơn, công ty đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nhiều sản phẩm mắc ca chất lượng cao. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty, thị trường trong nước ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm mắc ca ngày càng cao và đa dạng.

Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước

Bà Hương cho biết: "Công ty đang nghiên cứu một số loại sản phẩm như bột mắc ca dành cho người giảm cân, bánh kết hợp các loại hạt, mỹ phẩm mắc ca… Mục tiêu này sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường".

 

Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh thực hiện được 12.886,79 tỷ đồng, tăng 5,92% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động thương nghiệp thực hiện được hơn 10.971 tỷ đồng, chiếm trên 85% và tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước.

 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại chỗ

Những năm gần đây, Đắk Nông rất quan tâm đến việc xúc tiến thương mại tại chỗ nhằm giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có cơ hội gặp gỡ, ký kết hợp đồng cung ứng hàng hóa, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hàng năm, tỉnh thường tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài để các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tìm cơ hội hợp tác.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại chỗ và trong nước để giúp các doanh nghiệp mở thêm kênh tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp cũng rất phấn khởi khi tham gia vào những kênh kết nối giao thương này.

Qua xúc tiến thương mại nội địa, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng cung ứng hàng hóa và các biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại. Các thông tin về sản phẩm, nhu cầu của khách hàng cũng được các doanh nghiệp trao đổi, nắm bắt trực tiếp để cân đối, điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp. Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới dây chuyền sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, nhiều sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là về nông sản được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã như mắc ca, shachi, cà phê, tiêu, khoai lang…

Có thể thấy, qua đại dịch Covid-19, tiềm năng của thị trường nội địa càng được thể hiện rõ. Ngay cả trong những tình huống phức tạp, hàng hóa trong tỉnh và trong nước vẫn dồi dào, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Điều này cho thấy, sự vững mạnh của hàng hóa nội địa và hệ thống phân phối trong nước.

Ông Thị cho biết thêm: "Để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, doanh nghiệp Đắk Nông cần bảo đảm đạt chuẩn hàng hóa để giữ uy tín, thương hiệu; đồng thời, phải chú trọng tới trách nhiệm xã hội của mình".  

Theo Báo Đắk Nông Điện tử