Cà phê doanh nhân

Gia Nghĩa đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Ngày đăng 13/11/2018 | 13:35  | View count: 14249

Đảng bộ, chính quyền thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đặc biệt quan tâm công tác giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, xem đây là yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Giải quyết việc làm vượt kế hoạch

Với quan điểm đó, thị xã đã có nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đạt kết quả cao. Năm 2018, Gia Nghĩa phấn đấu giải quyết việc làm cho 450 lao động nhưng đến nay đã có 1.073 lao động được tạo việc làm, đạt 238% kế hoạch. Trong đó, 1.038 lao động được giải quyết việc làm qua "kênh" Quỹ quốc gia về việc làm, với 42 dự án của các hộ dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách-Xã hội. Thị xã cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 245 lượt lao động, giới thiệu việc làm thành công cho 35 lao động. Đa số lao động làm việc trong tỉnh, một số làm việc tại các tỉnh, thành phố và xuất khẩu lao động. 

Hợp tác xã Tia Sáng (Gia Nghĩa) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương từ chế biến chanh dây

Bên cạnh đó, 637 người được đào tạo nghề, đạt 172% so với kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay trên địa bàn đạt 70%, vượt 13% so với chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho 96 lao động nông thôn; trong đó có 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Đắk Nia và nghề lắp đặt điện nước tại xã Quảng Thành. Ngoài ra, theo chương trình xã hội hóa, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã cũng đào tạo nghề cho 541 lao động.

Ông Trương Đức Định, Trưởng Phòng LĐTB-XH thị xã Gia Nghĩa cho biết: "Những năm qua, thị xã luôn chú trọng tuyên truyền các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Phòng phối hợp với các xã, phường triển khai thu thập điều tra, ghi chép thông tin về nhu cầu lao động đến tận thôn, bon, tổ dân phố. Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giúp người dân, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Qua khảo sát, các nguồn vốn vay được các cá nhân, tập thể phát huy hiệu quả".

Nhiều lao động thị xã được tiếp cận thông tin về thị trường lao động thông qua phiên giao dịch việc làm

Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp

Bên cạnh những mặt thuận lợi, thị xã cũng có những khó khăn nhất định trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho lao động địa phương. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, lĩnh vực công nghiệp chưa phát triển mạnh… nên chưa tạo được nhiều việc làm. Tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, công tác quy hoạch, giải tỏa xây dựng hạ tầng đã ảnh hưởng đến việc làm của lao động địa phương.

Đáng lưu ý là việc làm cho thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường vẫn là vấn đề nổi cộm. Nhiều học sinh, sinh viên có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm phù hợp. Thông tin thị trường lao động được cập nhật, đáp ứng kịp thời nhưng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động chưa cao…

Trước thực tế đó, thị xã xác định, trong thời gian tới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng, phân luồng học sinh và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng tổ chức, đơn vị vận động người dân tham gia thị trường lao động. Cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, đào tạo và sử dụng lao động, giúp lao động sau khi học nghề có việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm ổn định cuộc sống. Năm 2019, thị xã phấn đấu giải quyết việc làm cho 900 lao động, đào tạo nghề cho 600 lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua tạo nghề lên 80%.

Lao động trẻ của thị xã được tư vấn về xuất khẩu lao động

Theo bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, thị xã quan tâm kêu gọi, động viên các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ cũng như tăng cường công tác tuyên truyền định hướng dạy nghề phù hợp với phong tục, tập quán của người lao động. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho lao động tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, phát huy nguồn lực tại chỗ và khuyến khích xuất khẩu lao động. Việc đào tạo nghề phải theo nhu cầu thị trường, theo địa chỉ và gắn với giải quyết việc làm. Thị xã phấn đấu giảm tỷ lệ lao động không có việc làm, việc làm không ổn định xuống dưới 1%.

Theo Đắk Nông Online