Cà phê doanh nhân

Văn phòng Chính phủ không ngại ‘boogke’ thủ tục hành chính
Ngày đăng 30/10/2018 | 16:32  | View count: 29663

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chiều nay, 30/10, đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quyết tâm thực hiện cải cách, liên thông thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ quyền lợi của người dân.
Trước đó đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hoá), từ việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký thông qua Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, đã đặt ra trách nhiệm của VPCP với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng một nền hành chính thực chất, hiệu quả.

"Đề án giao nhiệm vụ cho 4 bộ, ngành hoàn hành triển khai trong quý IV/2018 này. Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trình Đề án, thì còn 2 tháng nữa thì có triển khai được không? Liên thông TTHC là chuyển vất vả từ người dân sang cơ quan quản lý, thì thời gian tới còn liên thông thủ tục gì nữa không?", đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ nhiệm vụ xây dựng nền hành chính thực chất, hiệu quả, được tập thể cán bộ, công chức VPCP luôn coi là thách thức, là "boogke" khó khăn nhất, vì không chỉ liên quan đến chỉnh sửa thể chế, thay thế quy phạm pháp luật, mà còn là quyết tâm thay đổi nhận thức, văn hoá, hành chính, ứng xử của công chức khi thi hành công vụ.

"Liên thông TTHC là khâu đột phá được sẽ xác định tấn công vào sự cát cứ, phân lập thủ tục riêng lẻ, tạo ra ‘chuỗi' gia tăng chi phí tuân thủ không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng khẳng định.

Trong quá trình thực hiện liên thông TTHC, từ năm 2015, cả nước đã bắt đầu lựa chọn các loại thủ tục mang tính chất bao phủ, liên quan tới mọi người dân, gồm thủ tục đăng ký hộ tịch, cư trú, giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đạt được thành công bước đầu.

Còn Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí sẽ giảm 1/3 thời gian thụ lý, giải quyết nhu cầu của người dân. Làm được việc này sẽ tránh được những trường hợp người đã chết nhiều năm rồi mà vẫn nằm trong danh sách bầu cử, hay gia đình chưa nhận được mai táng phí,...

Trong quý IV này, các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thành việc hướng dẫn thực hiện cho các địa phương. "Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ triển khai được trong quý IV", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh quyết tâm cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ khi trưa nay (30/10) vừa ký ban hành Chỉ thị số 30 về tăng cường thực hiện liên thông một cửa giải quyết TTHC tại các địa phương. "Đề án 30 đã được chuẩn bị chu đáo, tính khả thi cao với quy trình thủ tục được chuẩn hoá, dễ làm, dễ hiểu, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan hành chính và người đứng đầu. Đề án cũng nhận được sự đồng tình của các địa phương khi VPCP tham khảo ý kiến góp ý từ trước đó".

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, thúc đẩy tính hiệu quả của Đề án.

Sau khi thực hiện các đề án này, VPCP sẽ đẩy mạnh liên thông TTHC tới các lĩnh vực khác như đăng ký doanh nghiệp, đang ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, mở rộng thí điểm liên thông cấp giấy phép xây dựng mà TPHCM đang làm rất hiệu quả; hay mô hình hành chính công của các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cà Mau, Thái Bình,...

Theo chinhphu.vn