Trong những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi đã gặp Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, người đã và đang có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng. Đối với ông, Đắk Nông như là "quê hương thứ hai" để rồi bản thân ông tự nhủ phải có trách nhiệm dõi theo và cổ vũ cho từng bước đi trên chặng đường phát triển của tỉnh nhà.
Từ vùng chiến sự ác liệt
Là "nhân chứng sống" và là một nhà nghiên cứu, khi nói đến lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Đắk Nông, ông Lạng khẳng định, đây là vùng chiến sự ác liệt chứ ít có dấu ấn phát triển kinh tế trong những năm Mỹ - Ngụy chiếm đóng.
|
Xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) năm 2004 còn hoang sơ... |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông hiện nay cơ bản thuộc diện tích của tỉnh Quảng Đức cũ thời chế độ Ngụy quyền. Tuy nhiên, quy mô cũng như cơ cấu tổ chức về dân số, chính quyền và kinh tế, xã hội ngày xưa và ngày nay thì khác nhau "một trời, một vực". Lúc trước giải phóng, cả tỉnh Quảng Đức chỉ có quận lỵ Đức Lập, Kiến Đức, Chi khu Đức Xuyên và Khiêm Đức, Châu thành Gia Nghĩa chứ chưa có huyện Krông Nô và Đắk R'lấp, Tuy Đức, Chư Jút như bây giờ.
Thực ra trước giải phóng thì các vùng này đều không có người ở. Tỉnh Quảng Đức cũ của chế độ cũ là một trong những tỉnh khó khăn hàng đầu và là vùng chiến tranh xảy ra rất ác liệt, nó cũng giống như vùng Quảng Trị, Phước Long. Lúc đó, dân số Quảng Đức chỉ có khoảng 36.000 người, phân bổ trên 4 quận huyện với đồng bào M'nông là chính và một số đồng bào Ê đê, Mạ. Người Kinh thì chủ yếu lên đây để xây dựng các dinh điền, hay gọi là các khu trù mật và sau đó được chế độ cũ xây dựng thành các ấp chiến lược như Đạo Nghĩa, Quảng Tân, Sùng Đức… Sùng Đức lúc bấy giờ chính là Quảng Tân của huyện Tuy Đức bây giờ, chứ không phải Sùng Đức của thị xã Gia Nghĩa hiện nay.
Đến những năm 1970 - 1972, chiến sự xảy ra ác liệt tại Sùng Đức, tức Quảng Tân bây giờ, khu dinh điền Sùng Đức được di chuyển về ngã ba Sùng Đức Gia Nghĩa hiện nay. Nền kinh tế lúc ấy chủ yếu tập trung ở một số dinh điền như: Dinh điền Nam Huân, Nghi Xuân, Quảng Trung thuộc xã Trường Xuân (Đắk Song) bây giờ, rồi lên vùng Đức Lập, chủ yếu là thị xã Đức Lập (Đắk Mil) và một số đồn điền lớn như đồn điền của Bít Xa Rê tại xã Quảng Khê (Đắk Glong hiện nay)... Toàn tỉnh Quảng Đức chỉ có trên dưới 1.000 ha cà phê ở Đức Lập, một ít cao su ở Đạo Nghĩa và rải rác tại các đồn điền.
Hồi đó, chiến sự xảy ra liên tục và càng về sau, quân ta càng làm chủ thế trận trên vùng Quảng Đức. Dấu ấn đầu tiên mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên là quân ta giải phóng Đức Lập vào 9/3/1975, rồi đến giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 10/3/1975. Đến 23/3/1975, Gia Nghĩa được giải phóng. Đến quý 4/1975, Quảng Đức sát nhập về Đắk Lắk, trở thành huyện Đắk Nông và huyện Đắk Mil của tỉnh Đắk Lắk.
Không riêng gì Gia Nghĩa, sau giải phóng, các huyện thuộc tỉnh Quảng Đức cũ chỉ là những hậu chiến trường hoang tàn, đổ nát, cơ sở vật chất gần như không có gì. Người dân lúc ấy chủ yếu sống nhờ vào rừng với 90% diện tích rừng tự nhiên nguyên sinh lá rậm, thường xanh.
|
...và Gia Nghĩa hôm nay. |
Đến vùng kinh tế triển vọng
"Theo tôi, Đắk Nông hiện nay so với những ngày trước giải phóng đã có sự thay đổi gần như hoàn toàn cả về quy mô, triển vọng phát triển"- Ông Nguyễn Văn Lạng khẳng định.
Thay đổi trước hết là về điều kiện tự nhiên, hạ tầng và địa danh cũng thay đổi và mở rộng thêm. Nếu như trước giải phóng, Quảng Đức cũ chỉ có Quảng Trực, Quảng Tân, Quảng Tín, Quảng Trung, Quảng Hưng , Gia Nghĩa, Quảng Thành, Quảng Sơn, Quảng Khê, Đắk Lao, Quảng Phú…. thì hiện nay Đắk Nông đã có hơn 70 xã, phường, thị trấn với 8 huyện, thị xã. Quy mô dân số từ mấy ngàn người hiện nay cũng đã tăng lên hơn nửa triệu người.
Đặc biệt, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… thì gần như "thay máu" hoàn toàn với một diện mạo, tầm vóc mới. Chỉ đơn cử, nếu như trước đây, kinh tế tỉnh Quảng Đức cũ chỉ hiện diện với một số đồn điền phục vụ cho một bộ phận nhỏ chủ đồn thì hiện nay, Đắk Nông đang phát triển với đầy đủ thành phần, cơ cấu kinh tế và đang phát triển ngày càng lớn về quy mô, chất lượng. Nhất là sau khi chia tách, thành lập tỉnh mới Đắk Nông vào đầu năm 2004, Đắk Nông đã có sự đổi mới mạnh mẽ, tuy chưa xứng tầm với yêu cầu, tiềm năng nhưng đang ngày càng bắt nhịp nhanh với xu thế phát triển.
|
Thị xã Gia Nghĩa đã và đang được đầu tư về cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại |
Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đắk Nông cũng đã thể hiện nhất quán chiến lược phát triển trên những trục chính thế mạnh đó là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, khai khoáng và du lịch. Từ đây, Đắk Nông đang được biết đến với một tỉnh có nền kinh tế đầy triển vọng, trong đó đáng kể là sản lượng hồ tiêu lớn nhất nhì cả nước, sản lượng cà phê, cao su và một số loại cây ăn quả. Đây chính là nguồn nguyên liệu đầu vào lý tưởng cho ngành công nghiệp chế biến sâu trong điều kiện hội nhập.
Công nghiệp bô xít - nhôm cũng đang là triển vọng không chỉ mở ra cho Việt Nam một ngành công nghiệp mới mà còn là cơ hội để Đắk Nông khẳng định "thương hiệu riêng" cho chiến lược phát triển trên lộ trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp theo định hướng chung của nước ta hiện nay.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nói như vậy không phải chúng ta hoàn toàn tự mãn về những gì đạt được mà điều hiển nhiên muốn tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp và thành công trước hết phải xác định được tỉnh đang ở đâu, có những lợi thế ưu việt nào và khai thác nó ra sao trong khuôn khổ dự báo về định hướng phát triển toàn cục. Đây không chỉ là lý thuyết cho các nhà quản lý xây dựng chính sách mà còn đòi hỏi những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa cho chính quyền, nhân dân Đắk Nông.
Theo Đắk Nông Online