Cà phê doanh nhân
Âm nhạc dường như có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày của mọi tộc người thiểu số ở Việt Nam. Trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của dân tộc những năm qua, nhiều giá trị của văn hóa dân tộc mà cụ thể là thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc đã được tôn vinh.
Có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; nghi lễ then Tày - Nùng - Thái và xòe Thái đang được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO...
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh |
Viện Âm nhạc Việt Nam suốt 67 năm qua cũng đã miệt mài tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trên cả nước bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn, dân ca, dân nhạc của toàn bộ 54 dân tộc trên cả nước. Nhiều tư liệu, hình ảnh, văn bản... cũng đã được tư liệu, số hóa thành kho dữ liệu đồ sộ của âm nhạc dân tộc ở Viện Âm nhạc Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.
Bên cạnh đó, nhiều băng ghi âm cũng đã được Phòng Công nghệ lưu trữ âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bảo tồn, lưu giữ suốt nhiều thập kỷ qua về âm nhạc cổ truyền dân tộc. Tính tới tháng 1/2014, VOV đã thống kê có 451 bài hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam cho người lớn, trong đó có 194 bài dân ca thiểu số lời cổ và 257 bài dân ca thiểu số lời mới. Dân ca thiếu nhi có 70 bài, trong đó có 21 bài dân ca thiểu số lời mới và 49 bài dân ca thiểu số lời cổ…
Trước những biến đổi về môi trường diễn xướng, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, mai một. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, Viện Âm nhạc, người từng tham gia điền dã, sưu tầm nghiên cứu ở vùng núi phía Bắc nhiều năm qua thảng thốt lo ngại về sự thay đổi hoặc biến mất của không gian diễn xướng dân gian.
Cụ thể như loại hình hát ống (hát giao duyên) của người dân tộc Mông tại Chiền Tương, Yên Châu, Sơn La đối mặt với nguy cơ mất đi trong cuộc sống hiện đại hay như dân ca Hò kéo gỗ của những người khai thác lâm nghiệp ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Hò sông Mã ở Thanh Hóa hiện cũng không còn mấy ai hát được... Đáng ngại hơn, xu hướng Âu - Tây hóa không chỉ ảnh hưởng tới bộ phận nhạc mới mà nó còn nhiều tác động đến âm nhạc cổ truyền của một số tộc ít người.
Hòa tấu cồng chiêng, bộ gõ ống tre và đàn đá... tạo nên những giai điệu trầm bổng của người M'nông trong hội thi nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồ Mai |
Bảo tồn âm nhạc cổ truyền của dân tộc là một việc làm quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ nhiều năm qua, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học đã dày công sưu tầm, điền dã, nghiên cứu cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về bảo tồn kho tàng đồ sộ, quý báu này của dân tộc.
Một trong những ưu tiên trong công cuộc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc là phải nuôi dưỡng được nền âm nhạc đó trong cộng đồng. Ở đây, có vai trò quan trọng của việc mở rộng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, mà yếu tố hạt nhân nòng cốt tạo dựng và hướng dẫn phong trào là các cán bộ văn hóa cơ sở được trang bị kiến thức và kỹ năng về âm nhạc dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đây là nỗi băn khoăn từ lâu, khi chương trình đào tạo văn hóa cơ sở phần lớn vẫn dùng các nhạc cụ phương tây, nhạc cụ điện tử, với các kiến thức âm nhạc phương tây, thiếu hụt lớn kiến thức về âm nhạc cổ truyền các dân tộc.
Từ thực tế này, các cấp có trách nhiệm nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như các câu lạc bộ tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật, cùng Nhà nước đào tạo những cán bộ cơ sở am hiểu về âm nhạc cổ truyền. Để duy trì và động viên phong trào, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền các dân tộc từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh và Trung ương, phát động các cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc thiểu số, tôn vinh các nghệ nhân dân gian cùng những phần thưởng vật chất xứng đáng; động viên lớp trẻ tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện âm nhạc của dân tộc mình.
Quan tâm đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng chính là khơi dậy ngọn nguồn âm nhạc dân tộc, để nó lan tỏa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số, là cơ sở để sưu tầm, nghiên cứu khai thác cho âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản, cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá âm nhạc dân tộc, nhất là trên sóng phát thanh, truyền hình, trong đó có việc phổ biến dạy và học âm nhạc dân tộc, mở câu lạc bộ dân ca nhạc cổ truyền.
Theo Đăk Nông Online