Thời tiết
Đắk Nông | |
Pleiku | |
TP Hồ Chí Minh |
Chính quyền
Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Nông, trong năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận có 23/42 bệnh truyền nhiễm, với 4.377 ca mắc. Trong đó, có một số bệnh truyền nhiễm lần đầu tiên ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh như: bệnh dại, bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người.
So với năm 2016, số ca mắc bệnh truyền nhiễm giảm 14,5%, nhưng trong năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận có 5 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình bệnh truyền nhiễm diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm 2018, các đơn vị y tế trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát hiệu quả các loại dịch, bệnh truyền nhiễm.
Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Gia Nghĩa điều tra trẻ trong độ tuổi tiêm chủng tại xã Đắk R'moan |
Theo bác sĩ Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, công tác giám sát bệnh truyền nhiễm đang được ngành tập trung duy trì và tăng cường tại tất cả các tuyến nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và có biện pháp khống chế kịp thời, nhất là trong dịp tết và các lễ hội đầu năm. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cũng được duy trì thường xuyên. Thông thường, vào thời điểm trước, trong và sau tết, hoạt động giao lưu, đi lại của người dân gia tăng, cộng thêm thời tiết diễn biến thất thường là một trong những yếu tố dễ bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh. Vì vậy, không loại trừ khả năng có thể xảy ra các ổ dịch tại "vùng lõm" có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Đơn cử, trong năm 2017, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh uốn ván sơ sinh, đều tập trung tại các địa bàn dân cư có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin uốn ván thấp là xã Đắk Drô (Krông Nô) và xã Đắk Ngo (Tuy Đức). Trước thực tế đó, việc giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ được chú trọng ở các địa phương có cửa khẩu, những địa bàn dân cư có tỷ lệ tiêm chủng mở rộng thấp...
Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành cũng tập trung kiện toàn và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác giám sát, phát hiện dịch, bệnh từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bon cũng được động viên làm việc nghiêm túc, hiệu quả, nhất là trong thời gian trước, trong và sau tết để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe của nhân dân tại các địa bàn dân cư.
Điển hình, tại thị xã Gia Nghĩa, năm 2017 ghi nhận có 1.004 ca mắc bệnh truyền nhiễm, cao nhất trong tỉnh. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm Y tế thị xã đã tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch, bệnh. Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị triển khai hoạt động vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp tết và các lễ hội đầu năm.
Tại huyện Đắk R'lấp, trong năm vừa qua, toàn huyện cũng ghi nhận có 759 ca mắc bệnh truyền nhiễm. Do đó, các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh cũng đang được địa phương quan tâm. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Oanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, một trong những hoạt động được ngành tập trung triển khai thường xuyên, nhất là vào thời điểm đầu năm là công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh ngay tại gia đình, địa bàn dân cư. Các hoạt động giám sát dịch, bệnh truyền nhiễm cũng được triển khai nghiêm túc, nhất là ở các khu vực trọng điểm, các ổ dịch cũ, khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Phước...Trung tâm cũng chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, tiêu chảy, quai bị cũng như tổ chức tập huấn kỹ năng giám sát, phát hiện, chẩn đoán một số bệnh...
Theo Sở Y tế, để hạn chế số ca mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm, cùng với nỗ lực của ngành Y tế, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động tham gia phòng, chống bệnh tại gia đình và cộng đồng như rèn luyện thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tích cực vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chất thải sinh hoạt để xử lý...
Theo Đắk Nông online