Thông tin tuyên truyền
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
10 nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ ngành, địa phương cần tập trung thực hiện: 1- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; 2- Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; 3- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; 4- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản; 5- Nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh; 6- Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; 7- Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; 8- Nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; 9- Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; 10- Tăng cường hợp tác, ngoại giao với các đối tác quốc tế và các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam.
Xử lý nghiêm hành vi xâm phạm an ninh, an toàn nguồn nước
Trong đó, các Bộ ngành, địa phương cần kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn hoặc đe dọa xâm phạm an ninh, an toàn nguồn nước và đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi; bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn có đập, hồ chứa nước, công trình thủy lợi; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước để kích động, phá hoại chống phá Đảng, Nhà nước; huy động lực lượng tham gia xử lý sự cố mất an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước (cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả, tổ chức phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông).
Quyết định yêu cầu phải xây dựng mới đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng để tích trữ, chuyển nước, kiểm soát mặn, giảm ngập lụt, úng, nhất là miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, sắp xếp lại quy mô các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước. Hiện đại hóa vận hành hệ thống công trình thủy lợi; áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước; theo dõi, giám sát sử dụng nước để giảm thất thoát, lãng phí nước trong sinh hoạt và sản xuất. Triển khai các giải pháp lọc nước biển để bổ sung nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, vùng ven biển, hải đảo.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào nguồn nước
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, nguy cơ mất an ninh nguồn nước theo thời gian thực, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, thuỷ điện, hệ thống chống ngập đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông.
Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước, nhất là nước thải sinh hoạt, công nghiệp; xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước dưới đất ở khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, sụt lún đất…
Theo chinhphu.vn