Cà phê doanh nhân
Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Trọng Yên - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan tham dự.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản; Ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo VBQPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 VBQPPL; rà soát được 32.187 VBQPPL, kiến nghị xử lý 4.765 văn bản. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc pháp điển QPPL theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra và thực hiện cập nhật các QPPL mới vào Bộ Pháp điển với tinh thần phấn đấu xây dựng xong Bộ Pháp điển sớm hơn so với kế hoạch. Đến nay đã hoàn thành việc pháp điển 185 đề mục trong tổng số 271 đề mục thuộc 45 chủ đề của Bộ pháp điển. Công tác giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, hộ tịch, chứng thực…được triển khai toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, bám sát chương trình kế hoạch đề ra.
Trong năm 2021, toàn ngành tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của bộ, ngành tư pháp; tham gia nghiên cứu, xây dựng trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án "Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngành Tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội…
Song Nguyên