Cà phê doanh nhân
Bước vào ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ 3, buổi sáng ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động
Tham gia thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tán thành cao với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước cũng như ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời có thêm một số ý kiến nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Cụ thể, về giải thích từ ngữ (Điều 2), đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cần có Điều này (tức là theo Phương án 1) với những phân tích như tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thống nhất về cách hiểu, ý nghĩa, bảo đảm tính thống nhất về nội hàm khái niệm "biện pháp vũ trang" trong toàn bộ dự thảo Luật.
Về hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7), đại biểu đề nghị không quy định nội dung hợp tác quốc tế về "tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ". Bởi vì, theo quy định của dự thảo Luật thì đây không phải lả nhiệm vụ do Cảnh sát cơ động chủ trì mà lực lượng Cảnh sát cơ động chỉ tham gia phối hợp, hỗ trợ các lực lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện.
Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động tại Điều 10 của dự thảo Luật, khoản 3 quy định: "Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ", đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nội dung này hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhằm tránh chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng phòng không thuộc Bộ Quốc phòng. Theo Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg, ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Thiết lập khu vực cấm bay, hạn chế bay đối với máy bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ thì một số khu vực cấm bay, hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ, lực lượng Cảnh sát cơ động không thể tiếp cận và triển khai nhiệm vụ. Do đó, cần xác định cụ thể phạm vi số khu vực cấm bay, hạn chế bay mà lực lượng Cảnh sát cơ động có thể thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm tránh chồng chéo với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Đối với việc sử dụng cụm từ "trường hợp cấp bách" trong một số quy định tại dự thảo Luật (như khoản 1 và khoản 3 Điều 16, điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 20), đơn vị soạn thảo cần làm rõ như thế nào là "trường hợp cấp bách" để thống nhất trong cách hiểu, quá trình thực hiện.
Với chính sách nhà ở công vụ cho sĩ quan Cảnh sát cơ động tại khoản 3 Điều 25 của dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng lực lượng Cảnh sát cơ động đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thì các chính sách, chế độ kèm theo đối với lực lượng này cần được quan tâm. Tuy nhiên, đối tượng, điều kiện được hưởng chế độ nhà ở công vụ đã được quy định cụ thể tại Điều 32 của Luật Nhà ở năm 2014, trong đó, đã bao gồm cả đối tượng là sĩ quan Công an nhân dân. Do đó, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Nhà ở, tránh chồng chéo, không thống nhất.
Về quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc "ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật" tại khoản 4 Điều 30 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về sự phù hợp, thống nhất của nội dung ưu tiên thực hiện chính sách nhà ở xã hội như dự thảo Luật với quy định của Luật Nhà ở năm 2014. Theo quy định tại Điều 50 của Luật Nhà ở năm 2014 thì sĩ quan trong Công an nhân dân là nhóm đối tượng thứ 6 (khoản 6 Điều 50) được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Luật Nhà ở năm 2014 thì sẽ có những đối tượng "được ưu tiên hỗ trợ trước" (như người khuyết tật, nữ giới) trong trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện hưởng chế độ chính sách về nhà ở xã hội. Ngoài ra, thực tế còn có nhiều đối tượng khác được quy định trong Luật Nhà ở cũng cần được ưu tiên quan tâm trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội như: người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo…
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong việc phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng tại địa phương đã được quy định rất cụ thể trong Luật Nhà ở năm 2014. Do đó, việc quy định trong dự thảo Luật chỉ là "nhắc lại" nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh một cách không đầy đủ so với Luật Nhà ở và có phần "khu biệt" đối với một đối tượng là Cảnh sát cơ động mà không đặt trong tổng thể của chính sách về nhà ở xã hội. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị nghiên cứu lược bỏ quy định này để thống nhất thực hiện theo Luật Nhà ở....
Theo Báo Đắk Nông