Cà phê doanh nhân
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là tại tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực biên giới, ngăn chặn dịch xâm nhập vào cộng đồng.
Trực chiến suốt ngày đêm
Chúng tôi có mặt tại Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn biên phòng Tuy Đức nằm tại địa bàn xã Thuận Hà (Đắk Song) khi cơn mưa rừng vừa dứt. Đoạn đường từ quốc lộ 14C đến chốt chỉ khoảng 500m nhưng trơn trượt, rất khó đi. Chốt 32 (tên do đồn đặt) là căn nhà tiền chế, nằm cạnh đường tuần tra biên giới, hiện có 7 cán bộ, chiến sĩ đang trực chiến suốt ngày đêm.
Cán bộ, chiến sĩ chốt 37 và dân quân xã Đắk Búk So tuần tra bảo vệ biên giới |
Ngoài giờ tuần tra, canh gác, các chiến sĩ còn tranh thủ trồng rất nhiều rau xanh, bầu, bí, nuôi gà vịt, thỏ, thậm chí quây cả bạt để nuôi cá để cải thiện bữa ăn. Mới đây, chốt được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tặng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ được thuận lợi hơn so với thời gian đầu ở trong nhà bạt.
Thượng úy Lê Văn Toàn, Chốt trưởng chốt 32 tâm sự: "Tuy điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại chốt còn nhiều thiếu thốn so với ở đồn, nhưng chúng tôi luôn xác định phải nỗ lực vượt qua, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là góp phần cùng đơn vị ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên tuyến biên giới, hàng ngày, luân phiên nhau ở chốt và đi tuần biên giới".
Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý chặt chẽ tất cả các trường hợp ra vào khu vực biên giới |
Tương tự, Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 (chốt 37) của Đồn biên phòng Tuy Đức nằm cạnh quốc lộ 14C, cách đường biên giới chưa tới chục mét. Tiếng là quốc lộ nhưng đoạn qua chốt còn đường đất. Thượng úy Phan Quốc Phú, Chốt trưởng chốt 37 chia sẻ: "Chúng tôi xác định dù có khó khăn, gian khổ đến mấy cũng vượt qua, không để lọt bất kỳ đối tượng nào vì trốn tránh cách ly y tế hay vì lý do gì mà nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ lâu dài nên anh em ổn định tư tưởng, nêu cao quyết tâm bám chốt, bám đường biên".
Theo Trung tá Đỗ Mạnh Hùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tuy Đức, đơn vị được giao quản lý đoạn biên giới hơn 10 km và địa bàn xã Đắk Búk So (Tuy Đức). Bên phía tỉnh Mondulkiri (Campuchia) tuy không sát khu dân cư nhưng có một công ty nước ngoài đang hoạt động, với khoảng 15-20 người làm việc. Nếu dịch Covid-19 phía bên kia biên giới diễn biến phức tạp rất dễ xảy ra tình trạng Việt kiều và công nhân công ty nước ngoài tìm cách qua Việt Nam tránh dịch.
Do đó, đồn thành lập 2 chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên dọc tuyến biên giới được giao quản lý để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép. Đặc biệt, xác định tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp và nguy hiểm, đơn vị luôn quán triệt, động viên cán bộ, chiến sĩ không lơ là chủ quan, thực hiện tốt song hành 2 nhiệm vụ vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Trung tá Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: "Xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ lâu dài, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để kiểm soát tốt địa bàn biên giới phụ trách. Đơn vị chú trọng ngăn chặn triệt để việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn, nhằm bảo đảm an ninh trật tự và ngăn ngừa dịch bệnh".
Cán bộ, chiến sĩ tại chốt 32 trồng rau cải thiện bữa ăn |
Không chủ quan, lơ là
Tính đến ngày 26/4, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đã có 3 bệnh nhân dương tính với Covid-19 trong cộng đồng, nên không loại trừ khả năng người Việt Nam từ bên kia biên giới sẽ tìm mọi cách vượt biên để về tránh dịch. Điều này, đặt ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh phòng, chống dịch bệnh trên biên giới của tỉnh Đắk Nông.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, BĐBP tỉnh đã tăng cường tối đa quân số cho các trạm, chốt biên phòng để thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra bảo vệ biên giới, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Nông, trên toàn tuyến biên giới tỉnh đã thành lập, duy trì 25 tổ, chốt cố định và 10-12 tổ lưu động phòng, chống dịch. Cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm luân phiên thay nhau trực 24/24 giờ, tăng số lần tuần tra cơ động dọc tuyến, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Những chỗ trọng yếu, xa chốt, quân số được bổ sung và có mặt thường xuyên, tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác.
Đồn biên phòng Đắk Lao, đứng chân trên địa bàn xã Đắk Lao (Đắk Mil) tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho người dân sản xuất trên biên giới |
Riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị đã tổ chức trực 100% quân số, với tinh thần nếu để xảy ra tình trạng người nhập cảnh trái phép mà không phát hiện được, chỉ huy đồn sẽ bị kỷ luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở biên giới, các lực lượng phải đeo khẩu trang, mang quần áo bảo hộ, khi tiếp xúc với người nhập cảnh ở cửa khẩu hoặc người đến từ biên giới phải giữ đúng khoảng cách. Nếu phát hiện người nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam phải tiến hành cách ly y tế ngay.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã đề nghị lực lượng bảo vệ biên giới phía tỉnh Mondulkiri khi có công dân của Việt Nam đi lao động ở Campuchia quay trở về nước, cần có sự hỗ trợ và thông báo cho tỉnh Đắk Nông biết, để có biện pháp từ xa, từ sớm.
Các đội công tác địa bàn trực tiếp xuống các thôn, bon biên giới, đến từng nhà, kết hợp hệ thống truyền thanh cơ sở, áp phích... nhằm vận động người dân khi phát hiện người nhập cảnh trái phép kịp thời liên hệ tố giác với lực lượng biên phòng, hoặc chính quyền địa phương qua các số điện thoại nóng hoạt động 24/24 giờ.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử