Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, xuất siêu 2 tỷ USD
Ngày đăng 29/03/2021 | 15:46  | View count: 43775

rong quý I, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Theo thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, Quý I năm 2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2021 đạt 20.196 triệu USD, cao hơn 196 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2021 đạt 20.656 triệu USD, thấp hơn 144 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 70,58 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Công nghiệp tăng khá

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

  
Ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,30% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%).


Nguồn: TCTK


Kỳ vọng sản xuất kinh doanh Quý II khả quan hơn

Cung trong quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động,

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,3%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, đây  phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 khả quan hơn quý I/2021.

Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định, trong đó: 51% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Có 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn so với quý I/2021.

Cầu tiên dùng đã tăng trở lại

Trong tháng 3/2021, hoạt động thương mại trong nước và vận tải hàng hóa có dấu hiệu tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,4%) cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; vận tải hàng hóa tăng 5,3% so với tháng trước về lượng hàng hóa vận chuyển. Vận tải hành khách và khách quốc tế đến nước ta vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 405,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3/2021 ước tính đạt 19,4 nghìn lượt người, tăng 77,3% so với tháng trước và giảm 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 48,1 nghìn lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tín hiệu tích cực trong huy động và sử dụng vốn

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chinhphu.vn