Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 31/08/2017 | 16:57  | View count: 3681

Ngày 31/8, tại huyện Đắk Song, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Đắk Song tổ chức Hội thảo Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở lần thứ 10, năm 2017 với chủ đề: “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

 

Quan cảnh Hội thảo

 

Theo báo cáo tại hội thảo, những năm gần đây, do giá hồ tiêu giữ ổn định ở mức cao nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Thống kê cho thấy, năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông  khoảng 13.900 ha, sản lượng hơn 17.600 tấn, nhưng đến hết năm 2016, diện tích hồ tiêu của tỉnh tăng lên đến 27.899 ha, sản lượng hơn 34.093 tấn. Như vậy, diện tích hồ tiêu đã vượt gần 2 lần so với định hướng của tỉnh đến năm 2020, trong đó có gần 1/2 diện tích là trồng mới trong vài năm trở lại đây.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện nhiều nông dân trồng hồ tiêu lại đang thiếu kinh nghiệm và kiến thức về canh tác bền vững. Do đó, trong quá trình canh tác các hộ trồng tiêu gặp nhiều khó khăn và rủi ro như: vốn đầu tư tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh…

Các đại biểu tìm hiểu mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây hồ tiêu

 

Trước thực trạng đó, tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất hồ tiêu trong và ngoài tỉnh đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề xuất phát từ thực tế sản xuất như: Thực trạng, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến hồ tiêu để nâng cao giá trị sản phẩm; chuổi liên kết sản xuất, chế biến hồ tiêu sạch bền vững; quy trình xác thực chống hàng giả, giải pháp chống hàng giả và truy xuất chính xác nguồn gốc sản phẩm bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng, yêu cầu thị trường và các chứng nhận quốc tế về hồ tiêu…

Đặc biệt, tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, hộ nông dân trồng hồ tiêu về chất lượng giống hồ tiêu, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, thị trường thu mua sản phẩm hồ tiêu bấp bênh… đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất hồ tiêu thiếu bền vững.

Người dân xã Nam Bình (Đắk Song)  tham gia đóng góp ý kiến

 

Qua việc trao đổi, tham luận, thảo luận, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân có cái nhìn rõ hơn về những yếu kém, khó khăn cũng như cơ hội trong sản xuất, kinh doanh hồ tiêu trước sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Qua đó, nhà nước, doanh nghiệp có những chính sách, cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy hoạch hợp lý đối với loại cây trồng quan trọng này tại địa phương.

Theo Đăk Nông Online