Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Liên Hợp Quốc cam kết mạnh mẽ giải quyết vấn đề người di cư, tị nạn
Ngày đăng 20/09/2016 | 07:42  | View count: 2868

193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên bố New York nhằm giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về người di cư và người tị nạn tại New York ngày 19/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, Tuyên bố New York thể hiện quyết tâm của Liên Hợp Quốc trong việc hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung, bao gồm: Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; Tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; Trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; Đảm bảo trẻ em di cư tị nạn được đi học; Cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; Tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.

 

lien hop quoc cam ket manh me giai quyet van de nguoi di cu, ti nan hinh 0
Việc giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: AP

 

Theo Văn phòng của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn, tính tới cuối năm 2015 thế giới có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn, và 40,8 triệu người di cư. Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường di cư.

Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận cách dịch vụ cơ bản.

Chính vì vậy, nếu Tuyên bố New York được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới.

Với việc thông qua Tuyên bố New York, Liên Hợp Quốc đã chính thức phát động một chiến dịch mới có tên "Cùng nhau–Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người".

Phát biểu tại hội nghị, ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn nhấn mạnh: "Tuyên bố New York đánh dấu một cam kết chính trị của nỗ lực lớn lao chưa từng có. Tuyên bố này đã lấp đầy khoảng trống kéo dài nhiều năm qua trong hệ thống bảo vệ quốc tế, đó là sự chia sẻ trách nhiệm thực sự đối với người di cư theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) về việc chính thức tiếp nhận IOM làm một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc.

Ngay sau khi Tuyên bố New York về người di cư được thông qua, lãnh đạo nhiều nước đã hoan nghênh bản tuyên bố này, đồng thời cam kết hỗ trợ cho những quốc gia bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư và tị nạn.

Phát biểu tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về người tị nạn và người di cư, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết viện trợ nhân đạo 2,8 tỷ USD cho người tị nạn, người di cư và các quốc gia tiếp nhận các đối tượng này trong 3 năm tới. Hỗ trợ của Nhật Bản bao gồm viện trợ nhân đạo khẩn cấp, song song với đó là hỗ trợ phát triển lâu dài cho người tị nạn cũng như các nước sở tại tiếp nhận các đối tượng này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19/9, cũng thông báo sẽ cung cấp 100 triệu USD cho viện trợ nhân đạo để giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới người tị nạn và người di cư.

Tại cuộc họp bàn tròn với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị về tị nạn và di cư tại New York, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước cam kết cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng di cư.

 "Cảm ơn các bạn đã tới tham dự cuộc họp này. Tôi nghĩ mọi người tham dự đều cam kết để đối phó với tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ mà chúng ta thấy trên toàn cầu và mọi người nhìn vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề này bởi những đau khổ mà chúng ta nhìn thấy đã có nhiều người phải gánh chịu", bà May nói.

Cũng trong ngày 19/9, Bộ Nội vụ Anh cho biết sẽ chi 80 triệu bảng, tăng gấp 10 lần so với trước đây, cho công tác tuần tra, kiểm tra các phương tiện giao thông tại một số cảng và đường hầm Eurotunnel thuộc Pháp.

Đây là các cửa ngõ biên giới giữa Anh và Pháp mà hai nước đang nỗ lực phối hợp cùng nhau để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cư trái phép vào Anh, cũng như làm giảm tình trạng quá tải tại các trại tị nạn nằm trên đất Pháp./.

Theo vov.vn